Dân Việt

Bộ trưởng Thăng cam kết giảm tai nạn, tăng chất lượng công trình

25/04/2012 06:06 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 24.4, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã dành cả ngày để nghe lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) giải trình các vấn đề liên quan tới xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.

Sẽ giảm 2.000 người chết vì tai nạn giao thông

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, trong năm 2011 và 2 tháng đầu năm 2012, trên toàn quốc, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý trên 8,3 triệu trường hợp vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, thu nộp Kho bạc Nhà nước trên 2.382 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, cả nước đã xảy ra 49.515 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 12.399 người, bị thương 54.192 người.

img
Bộ trưởng Thăng cam kết sẽ giảm số vụ và số người chết vì tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển vẫn cho rằng: Số người chết và bị thương vẫn quá lớn, không giảm và đề nghị Bộ trưởng nói về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ khi để xảy ra tình trạng này.

Bộ trưởng Thăng khẳng định đã thực hiện hết trách nhiệm với nhiều giải pháp đồng bộ và lâu dài. Tuy vậy, Bộ trưởng cũng thừa nhận số người chết và bị thương vẫn rất lớn. Nhưng ông Thăng cũng dẫn chứng những tín hiệu khả quan như quý I/2012 đã giảm được 50% số vụ tai nạn, 19% số người chết. Nhiều thành phố như Hà Nội, TP.HCM tai nạn còn giảm đến 70%. Bộ trưởng Thăng cam kết, cuối năm 2012 sẽ giảm được số vụ tai nạn và giảm hơn 2.000 người chết so với năm 2011.

Ông Hiển tiếp tục yêu cầu Bộ trưởng làm rõ về các giải pháp Bộ đưa ra, trong đó có tăng quyền xử phạt nhưng chưa thấy nói tới tăng trách nhiệm, ý thức của đội ngũ CSGT, thanh tra giao thông. Ông Thăng cho biết, Bộ GTVT cùng Bộ Công an đang có đề án để nâng cao trách nhiệm đội ngũ cán bộ, từ lực lượng quản lý đến người thực hiện. Nhưng Bộ trưởng cũng cho rằng không thể đổ hết lỗi cho người thực thi công vụ là nguyên nhân dẫn đến tai nạn.

Nhận lỗi vì công trình kém chất lượng

Trả lời câu hỏi của đại biểu (ĐB) Trần Ngọc Vinh về việc các công trình giao thông thất thoát hàng nghìn tỷ đồng do chất lượng kém, trong khi Bộ vẫn đề xuất việc thu phí bảo trì giao thông đường bộ khiến dư luận phản ứng thời gian qua, Bộ trưởng Thăng thừa nhận: Đúng là các công trình giao thông hiện nay 100% không đảm bảo về chất lượng và cả tiến độ. Chính vì thế, năm 2011, Bộ GTVT đã xác định là năm chất lượng công trình giao thông.

“Năm 2012, mục tiêu này tiếp tục được coi là trọng tâm. Theo đó, qua công tác kiểm tra, Bộ có thể thay người đứng đầu các công trình để chậm tiến độ như đã làm trong năm 2011” - ông Thăng cho biết.

Đến buổi chiều, khi được ông Phạm Quốc Anh – Chủ tịch Hội Luật gia VN - tiếp tục chất vấn về vấn đề này, Bộ trưởng Thăng đã thẳng thắn xin nhận lỗi trước QH và trước nhân dân khi hầu hết các dự án, công trình giao thông chậm về tiến độ và kém về chất lượng. Bộ trưởng Thăng cũng hứa sẽ khắc phục tình trạng này bằng nhiều biện pháp đồng bộ.

Trước chất vấn của ĐB Phùng Quốc Hiển về việc sử dụng tiền xử phạt vi phạm hành chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh đã đỡ lời cho Bộ trưởng Thăng: Căn cứ vào Nghị định 124 và Thông tư 89 hướng dẫn do Bộ Tài chính ban hành, 100% số tiền thu phạt từ các hành vi vi phạm giao thông được đầu tư trở lại cho công tác đảm bảo an toàn giao thông (70% cho CSGT, 10% cho Thanh tra giao thông, 10% cho Ban An toàn giao thông địa phương và 10% cho các lực lượng trực tiếp tham gia). Bà Minh cũng cho rằng việc sử dụng số tiền này hoàn toàn minh bạch.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền truy vấn tiếp: Nếu nhìn từ góc độ người dân thì không hợp lý vì dân cho rằng, anh đã đi làm ăn lương của Nhà nước, không nên lấy tiền phạt để sử dụng, dễ làm người thi hành công vụ lợi dụng để phạt nhiều hơn. Còn ĐB Đặng Đình Luyến thì cho rằng việc sử dụng tiền xử phạt vi phạm hành chính để đầu tư lại cho người xử phạt giao thông là không có căn cứ pháp lý.

Tuy nhiên, bà Minh cho rằng: Khi ban hành Thông tư 89, Bộ Tài chính có căn cứ các văn bản pháp luật, quy định của Nhà nước. Bà Minh cũng giãi bày: “Thực ra khi ban hành thông tư không phải muốn thu được nhiều tiền mà cái chính là để ngăn chặn các hành vi vi phạm mà thôi”.

Đề nghị tạm giữ hành chính người lái ô tô khi say rượu

ĐB Nguyễn Thị Khá đặt vấn đề, rượu bia là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông và Bộ có giải pháp nào đề xuất lên Chính phủ đề ngăn chặn tình trạng này? Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị - đại diện Bộ Công an trả lời thay Bộ trưởng Bộ GTVT: Việc xử phạt đối với người điều khiển phương tiện có uống rượu bia vẫn còn khó khăn dù bộ cũng rất chú trọng xử lý.

Về việc thu phí Quỹ bảo trì đường bộ bắt đầu từ tháng 6 này, khi được chất vấn, Bộ trưởng Thăng một lần nữa cho rằng việc này không do Bộ tự nghĩ ra: “Bộ chỉ là cơ quan triển khai thực hiện theo Luật Đường bộ năm 2008, theo nghị quyết đã được Quốc hội thông qua. Đáng nhẽ Quỹ này phải ban hành sớm hơn, việc ban hành chậm là lỗi Bộ GTVT và Bộ Tài chính”.

Ông Nghị dẫn chứng: “Bố trí công an ở ngay trước quán bia để xử phạt, người dân phát hiện thì họ đi bộ chứ không đi xe nữa”. Ngoài nâng mức chế tài xử phạt, ông Nghị cũng đề nghị áp dụng tạm giữ hành chính những người say rượu bia, có nồng độ cồn cao khi điều khiển phương tiện giao thông cho tới khi tỉnh.

ĐB Nguyễn Văn Tiên cho biết: Có nghiên cứu cho thấy 30% số vụ tai nạn giao thông gây chết người là do uống rượu bia. Vì vậy phải xử lý nghiêm những lái xe say rượu, thậm chí phải thực hiện việc tạm giữ hành chính người vi phạm như các nước bạn khác đã làm.

Ông Thăng cũng đồng tình và cho biết, Bộ GTVT và Bộ Công an đều đã đề xuất việc tạm giữ hành chính với người say rượu lái xe, chờ Chính phủ thông qua.