Trước phiên chất vấn, dư luận bàn tán xôn xao xung quanh đề nghị “5x5”, cấm ô tô 5 giờ mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần của một… cựu phi công. Thực ra, ý kiến này không tệ, lại đơn giản, bởi “chân lý” là nếu muốn khỏi tắc đường, khỏi tai nạn chỉ cần sửa một chữ số 7: “7x7”, cấm 7, hoặc 17 giờ mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần, với tất cả mọi phương tiện. Không quản được thì cấm, thế thôi.
Nhưng nếu chỉ đơn giản là cấm tiệt, phạt tiệt, thì có lẽ “ai làm Bộ trưởng cũng được”- như lời đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói về công việc của Bộ trưởng Thăng khi Bộ trường lần đầu “trả bài” trước Quốc hội.
Hôm qua, trước hàng loạt các biện pháp mạnh của Bộ trưởng Thăng, vị dân biểu Lâm Đồng hóm hỉnh kể lại câu chuyện ghi lưu niệm nhân lễ khánh thành một nhà văn hóa địa phương. Trong cuốn sổ đó, đại diện các lực lượng đều “kể công”. Ngành giao thông đương nhiên với khẩu khí hùng hồn khẳng định “Tôi bảo vệ cho tất cả”. Và cuối cùng, đại diện cho những người nông dân ghi câu chốt: “Tôi trả tiền cho tất cả”.
Ngẫm ra không thể xử lý 8,3 triệu vụ vi phạm an toàn giao thông chỉ bằng cách tiền, tiền, tiền.
Còn nhớ hồi đầu năm, dư luận đã một lần dậy sóng khi CSGT Hà Nội được giao chỉ tiêu xử phạt 500 tỷ đồng, gấp đôi “chỉ tiêu” năm 2011. Câu hỏi được đặt ra bấy giờ là: Quy định khoán phạt trên liệu có đang ép CSGT phải xử phạt cho đủ chỉ tiêu mà bỏ qua nhiệm vụ quan trọng không kém là tuyên truyền để người dân không tái vi phạm luật lệ về an toàn giao thông?
Thực tế cho thấy, hình như càng phạt, số lượng vi phạm càng tăng. 8,3 triệu vụ vi phạm an toàn giao thông, chưa hẳn đã phản ánh hết mức độ vi phạm, cũng chưa hẳn là lỗi của người tham gia giao thông.
Các đại biểu Quốc hội hôm qua đã dùng chữ “lạm thu” để phản bác quan điểm xử phạt nhằm tăng thu nhập cho cán bộ, bởi đó chính là việc “đè dân ra phạt”. Kinh phí dành cho ngành giao thông năm 2012 đã phân bổ hết, thậm chí ngay khi năm mới chưa bắt đầu, nhưng không thể tăng nguồn thu bằng cách “đè ra phạt”.
Đào Tuấn