Vào mùa này, đi đâu cũng thấy người ta bán hoa loa kèn. Có người còn kéo cả xe cải tiến chở đầy hoa loa kèn để đưa đi bán. Hiếm có một loại hoa đẹp như loa kèn mà lại nở rộ vào một lúc. Vì vậy, người ta tranh thủ thưởng thức. Do đó, có hiện tượng “bội thực” hoa loa kèn...
Nhưng ít người hiểu rằng, hoa loa kèn chính là một loại hoa ly ly. Ít năm gần đây, hoa ly ly từ nhiều nước tràn vào Việt Nam. Dân ta mê loại hoa này vì nó vừa đẹp, vừa rực rỡ và lại thơm nữa. Hoa ly ly mau chóng chiếm vị trí trung tâm trong các cách bày biện ở từng nhà. Vào tết, bên cạnh cây quất, cành đào, người ta thường có thêm lọ hoa ly ly đặt giữa bàn. Hương thơm ngào ngạt của nó làm tăng thêm không khí của ngày tết...
Trong khoa học, người ta gọi hoa ly ly với các tên khác nữa là hoa bách hợp hay hoa loa kèn. Còn trong sản xuất và trên thị trường tiêu thụ thì người ta phân làm 2 loại: Hoa ly ly và hoa loa kèn. Hoa ly ly có màu sắc rực rỡ như hồng, tím hồng, vàng cam, vàng chanh... và thường có mùi thơm. Chỉ có một ít giống là không có hương. Ngược lại, hoa loa kèn chỉ có độc nhất là màu trắng và khi nở, hoa có hình dáng như miệng kèn (nên gọi là hoa loa kèn), nó có hương thơm nhẹ.
Ở ta, hiện có một vài giống hoa loa kèn bản địa và một vài giống nhập nội từ Hà Lan...Trên thế giới, người ta chỉ gọi chung hoa ly ly và hoa loa kèn là hoa ly ly, thuộc chi Lilium và được phân thành nhiều nhóm. Nhưng ở ta, bà con vẫn coi chúng là 2 loài hoa riêng biệt.
Hoa loa kèn là loại hoa quen thuộc của bà con mình. Rất nhiều nơi đã trồng hoa loa kèn. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của việc trồng loa kèn có lẽ là việc chúng nở hoa quá tập trung vào một thời điểm. Vì vậy, việc tiêu thụ rất khó và giá cả cũng không có lợi cho nông dân.
Trong những năm 90 của thế kỷ trước, GS-TS Nguyễn Quang Thạch (ở Trường Đại học Nông nghiệp 1) đã cùng cộng sự của mình tìm ra biện pháp để hoa loa kèn có thể ra trái vụ. Cụ thể, ông đã làm cho loa kèn có thể ra hoa và nở vào tết. Thời đó chưa có nhiều hoa ly ly, nên việc có hoa loa kèn vào dịp tết là một điều kỳ diệu. Giáo sư đã dùng phương pháp xử lý lạnh củ giống và dùng kích thích tố Gi-bê-rê-lin để củ bật chồi và trồng vào vụ trái.
Sau này, một nông dân ở Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội) lại học được kỹ thuật của các chuyên gia Trung Quốc để có thể nhân giống hoa loa kèn bằng hạt. Anh tên là Hiếu. Anh cho biết, loa kèn có rất nhiều hạt, hạt bé và mỏng như tờ giấy. Xưa nay không ai làm cho chúng nảy mầm được. Thế nhưng anh Hiếu đã thành công. Ruộng cây giống của anh trông như ruộng mạ với hàng vạn cây con...
Cũng có người cho rằng, hoa loa kèn đã hết thời. Nhưng nếu bà con áp dụng các kỹ thuật mới, ta vẫn có thể làm giàu bằng hoa loa kèn. Xin chớ coi thường loại hoa này.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng