Dân Việt

Lỗi do... cánh cổng trường Thực nghiệm quá yếu!

17/05/2012 15:48 GMT+7
Dân Việt - "Vụ việc này trở nên "nổi tiếng" chẳng qua là vì cái cổng của trường thực nghiệm quá yếu. Chứ những sự việc kiểu như vậy đã xảy ra ở các trường điểm từ nhiều năm nay rồi"...

Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Thành Nam - Thành viên chủ chốt nhóm Cánh Buồm nói vui như vậy khi trao đổi với Dân Việt, nhưng trong sâu thẳm, ông buồn vì nền giáo dục nước nhà.

Là chuyên gia giáo dục, ông nhận định thế nào về mô hình dạy/học thực nghiệm?

- Có nhiều người không biết là chương trình thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại đã bị giải tán từ giữa năm 2008 sau hơn 30 năm phát triển và gặt hái được nhiều thành tựu về mặt khoa học. Chính GS Hồ Ngọc Đại đã nói rõ việc này trong lời đáp từ của ông nhân dịp được trao tặng giải thưởng Phan Chu Trinh về giáo dục năm 2009. Tuy nhiên trường cũ vẫn còn đó, dù nhiều người cũ đã ra đi nhưng nếp cũ vẫn chưa bị mai một hẳn. Đó là lý do khiến cho rất nhiều người muốn gửi con vào trường Thực nghiệm.

img
Lớp học khoa học thực nghiệm ở trường tiểu học Nguyễn Văn Huyên do TS Nguyễn Thành Nam giảng dạy

Các bài học đều dạy học sinh đạo đức và lối sống, ví dụ như xếp hàng, ví dụ như nhường nhịn, nhưng các cuộc “cướp” đơn vào trường Thực nghiệm (và một vài trường điểm năm ngoái), chính những phụ huynh mong muốn con có được nền giáo dục tốt lại bất chấp các quy tắc về lối sống. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Nên thông cảm cho các bậc phụ huynh vì việc chen lấn xô đẩy ở đây không phải là để dành mua một tấm vé xem phim hay là tranh ngắm hoa anh đào đến từ xứ lạ. Chúng tôi nghĩ rằng cái mà người ta dành nhau ở đây chính là hạnh phúc đi học, là tuổi thơ của con cái họ.

Có thể thấy là hầu hết phụ huynh muốn con vào học trường Thực nghiệm đều có chung một nguyện vọng muốn con em mình có nhiều thời gian vui chơi hơn và không bị giao quá nhiều bài tập về nhà. Vì hạnh phúc của con cái, trong một tình thế mà cung không đủ cầu, thì việc các bậc phụ huynh phải tranh cướp nhau chỉ là cùng bất đắc dĩ.

Thời điểm gặp ông dạy môn khoa học tại trường Nguyễn Văn Huyên, ông có chia sẻ trong quá trình viết sách, nhóm cũng đã phải vất vả tìm kiếm nơi để thực nghiệm. Nhóm đã tiếp xúc với nhiều trường tiểu học, tuy nhiên “trường nào cũng thích nhưng lại sợ”. Vì sao mô hình được các bậc cha mẹ “giẫm đạp” nhau để xin cho con học lại khó đưa vào các nhà trường như vậy?

Thứ nhất là theo luật thì chúng ta chỉ có một chương trình, một bộ sách giáo khoa, các trường bắt buộc phải dạy chương trình hiện hành của Bộ Giáo dục. Cũng không thể đưa vào chương trình ngoại khóa vì không thể bắt học sinh học song song hai chương trình.

Thứ hai, bản thân các trường (đặc biệt là trường công lập) hiện nay luôn ở tình trạng quá tải. 

Được biết, ông cũng đã từng khảo sát cách dạy, học tiểu học ở khu vực ngoài thành phố (ngoại ô, nông thôn), ông đánh giá thế nào về cách dạy, học hiện nay?

- Nhìn chung, ở đâu đâu cũng là thầy giảng giải trò ghi nhớ. Tuy nhiên trẻ em nông thôn ít bị áp lực học tập hơn so với trẻ em thành phố.

Ngành giáo dục cần rút ra bài học gì sau vụ giẫm đạp xin học vào trường Thực nghiệm ngày 11-13.5 vừa qua?

- Vụ việc này trở nên "nổi tiếng" chẳng qua là vì cái cổng của trường thực nghiệm quá yếu. Chứ những sự việc kiểu như vậy đã xảy ra ở các trường điểm từ nhiều năm nay rồi. Còn bài học rút ra như thế nào thì chỉ ngành giáo dục mới trả lời được.

Để không lặp lại tình trạng sau nhiều lần cải cách, đổi mới mà nền giáo dục vẫn bị lạc hậu thì cần phải tạo điều kiện để mọi lực lượng trong xã hội đều có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nền giáo dục mới.

Nhóm Cánh Buồm, từ góc độ chuyên môn của mình sẽ đóng góp một điều tích cực nhỏ bé bằng cách làm ra một bộ sách tốt nhất có thể, với mong muốn rằng mọi cuốn sách giáo khoa được biên soạn tiếp theo bộ sách của Cánh Buồm sẽ có cái mốc để mà vượt qua, điều đó chắc chắn sẽ có lợi cho công cuộc chấn hưng nền giáo dục nước nhà.

Xin cảm ơn Tiến sĩ.

Nhóm Cánh Buồm do nhà giáo Phạm Toàn khởi xướng thành lập là nhóm chủ trương phổ biến cách dạy/học thực nghiệm với mong muốn trẻ được tiếp cận với cách học “mỗi ngày tới trường là một ngày vui”. Tiếp theo các hội thảo Hiểu trẻ em – Dạy trẻ em (2009), Chào Lớp Một (2010) và Tự học - Tự Giáo Dục (2011), tháng 4.2012 vừa qua nhóm Cánh Buồm đã tổ chức hội thảo Một Cánh Buồm – Một Nhà Trường Hiện Đại tại TP.HCM để giới thiệu chương trình Giáo Dục Hiện Đại với công chúng phía nam.

Hiện nay nhóm Cánh Buồm đang tập trung vào hai việc, một là sửa lại những cuốn sách đã xuất bản sao cho tốt hơn, đẹp hơn, và quan trọng nhất là phải làm cho bộ sách trở nên ngày càng dễ sử dụng, để ngay cả các bậc phụ huynh cũng có thể dùng để tổ chức việc học cho con em mình. Hai là, song song với việc dạy thực nghiệm cần phải tiếp tục biên soạn những cuốn sách mới bao gồm cả sách giáo khoa, sách sư phạm, và sách tâm lý học.

Tháng 10.2012, nhóm Cánh Buồm sẽ tổ chức hội thảo Em Biết Cách Học để giới thiệu với công chúng bộ sách tiểu học từ lớp một đến lớp năm bao gồm gần ba chục đầu sách cả tái bản và sách mới.