Và loại thứ 3, thật khó tin, đó là những bản án mà bản thân "Tòa án không thể giải thích được". Các chánh án của chúng ta thật là "hồn nhiên thật thà".
Nhưng đó không phải là một vài vụ cá biệt. Cũng không phải là chưa có tiền lệ. Theo số liệu mà chính Chánh án Trương Hòa Bình công bố, thực ra phải viết đúng là thừa nhận thì: Năm 2010, con số những bản án tuyên mà "Tòa án không thể giải thích được" là 1.770 trường hợp. Năm 2011, số vụ "Bao Công cũng phải khóc ròng" là 1.702. Và năm 2012, vẫn còn đến 1.198 trường hợp "thẩm phán cũng không hiểu mình tuyên gì".
Mỗi bản án, dù đó là một vụ ly hôn, một trường hợp tranh chấp đất đai, hoặc trường hợp hậu quả pháp lý nặng nề nhất là tống một tội phạm vào tù, bao giờ cũng bắt đầu bằng câu: Nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…
Nhưng nếu ngay chính những phán quan, ngồi lạnh lùng trong những pháp đình thâm nghiêm còn không hiểu nổi bản án do chính mình tuyên thì làm sao bản án đó được thực thi trong thực tế, làm sao những đương sự, những bị cáo có thể "tâm phục khẩu phục".
Một trong 3 giải pháp "đột phá", Chánh án Trương Hòa Bình có đề cập đến việc chú trọng đào tạo đội ngũ thẩm phán "vừa hồng vừa chuyên". Theo ông, một tòa công sở trị giá 3 triệu USD sẽ được đầu tư để "xây dựng cơ sở vật chất khang trang" cho việc đào tạo thẩm phán.
Tòa công sở 3 triệu USD cũng là cần thiết, nhưng dường như những bản án "Tòa án cũng không thể giải thích", không đơn thuần chỉ là chuyện trình độ của các phán quan. Bởi án "không thể giải thích", về bản chất cũng là loại án "giải thích thế nào cũng được".
Hôm qua, chánh án 3 lần "xin nhận trách nhiệm", trong đó có lời xin lỗi về những bản án tuyên không rõ ràng.
Nhưng xin nhận trách nhiệm là không đủ, bởi đó là những sai phạm không thể xuê xoa bằng những lời xin lỗi nói cho có.
Nếu như chánh án không nhìn thấy, dù chỉ tí ti trong đó có vấn đề đạo đức thì chắc sẽ còn phải mất rất nhiều thời gian nữa, “án không thể giải thích”, hoặc giải thích thế nào cũng được, mới có thể chấm dứt.
Đào Tuấn