Thiệt hại nặng nề
Đến nay, hầu hết diện tích lúa của gia đình anh Phan Hùng (thôn Đông Phú, xã Quảng An, huyện Quảng Điền) đã bị chuột gặm nát. “Khi mới gieo sạ, lúa bị chuột phá còn gieo lại được, chừ lúa đang trong giai đoạn đứng cái làm đòng, bị chuột phá thì coi như thất thu”- ông Hùng buồn nói.
Ông Nguyễn Hiền- Chủ tịch UBND xã Quảng An, cho biết, chưa có năm nào lúa đông xuân của người dân trên địa bàn bị chuột phá hoại dữ dội, gây thiệt hại nặng như năm nay.
Nông dân huyện Quảng Điền nỗ lực diệt chuột để cứu lúa. |
Đến thời điểm hiện tại, toàn xã đã có khoảng 70ha lúa bị chuột cắn phá. Tại hàng loạt địa phương khác của huyện Quảng Điền như Quảng Phước, Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Thọ, Quảng Thành, thị trấn Sịa… người dân cũng điêu đứng vì chuột. Cũng như Quảng Điền, các địa phương như Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc… lượng lớn diện tích lúa của người dân cũng bị chuột gặm nát. Mật độ chuột ở các ruộng lúa nhiều nơi lên đến 20 con/m2.
Ông Bạch Văn Khai - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Phú Lộc, cho biết: Tình trạng chuột phá hoại lúa ở huyện xảy ra tại tất cả các địa phương. Theo thống kê bước đầu, toàn huyện đã có gần 500ha lúa bị chuột cắn phá.
Diệt không xuể
Ông Nguyễn Hiền cho biết, đến nay, địa phương đã tổ chức 2 đợt ra quân diệt chuột và đã tiêu diệt được hơn 30.000 con chuột. Theo ông Hiền, lượng chuột tại các đồng ruộng trên địa bàn phát triển rất nhanh, trong khi đó việc tiêu diệt chuột hiện nay không thể thực hiện bằng cách đào hang do lúa đã tốt. Trong khi đó, việc tiêu diệt loài vật này bằng cách dùng bẫy và thuốc lại khó diệt được tận gốc.
Để khuyến khích người dân tăng cường diệt chuột, chính quyền các địa phương ở huyện đã trích kinh phí thu mua đuôi chuột với giá từ 1.000- 1.500 đồng/đuôi. UBND huyện Quảng Điền đã ban hành cơ chế trợ giá để giúp nông dân mua bẫy và vận động người dân nuôi nhiều mèo để diệt chuột.
Tại các địa phương Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc… người dân cũng đã và đang tăng cường ra quân diệt chuột. Nhiều địa phương cũng trích kinh phí thu mua đuôi chuột và hỗ trợ người dân mua bẫy, thuốc diệt chuột để công tác diệt chuột mang lại hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, do số lượng chuột quá nhiều, tốc độ phát triển rất nhanh nên diệt không xuể.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên- Huế, hiện chuột đang ở giai đoạn cặp đôi sinh sản và sống trong hang, việc phòng trừ bằng bả sinh học không có hiệu quả cao. Vì vậy, các địa phương cần tổ chức diệt chuột đồng loạt từng đợt bằng biện pháp thủ công như đào bắt, đặt bẫy… với thời gian mỗi đợt ra quân kéo dài từ 5-7 ngày để hạn chế vấn nạn chuột phá hoại mùa màng.
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, thời gian tới là thời điểm thuận lợi cho chuột sinh sản và gia tăng mật độ. Vì vậy, lúa từ giai đoạn đứng cái làm đòng cho đến trổ bông sẽ bị chuột gây hại nặng hơn.
An Sơn