Thông tin giả mạo tràn lan
Thông tin được xuất phát từ một website có tên miền ledaiphat.com giả mạo báo điện tử VnExpress để đưa thông tin. Theo thông tin giả mạo, kỳ thi THPT năm nay sẽ bao gồm 6 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ, thể dục, giáo dục công dân và công nghệ đối với học sinh hệ THPT. Còn đối với hệ giáo dục thường xuyên thì áp dụng 6 môn thi của kỳ thi năm 2012!
Thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp tại Trường THPT Trí Đức - Hà Nội. |
Do nhiều người không biết được tính thật – giả của thông tin trên, nên nhiều ý kiến tiêu cực, bất đồng với Bộ GDĐT đã được trao đổi, bàn tán ầm ĩ trên các trang mạng, diễn đàn vừa qua. Đặc biệt, nhằm củng cố thêm tính thuyết phục của thông tin trên, website giả mạo ledaiphat.com còn tiếp tục giả danh phát biểu của ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GDĐT để khẳng định tính chính xác của thông tin trên.
“Sáng 24.3, tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại từ các thầy cô các trường THPT trên địa bàn hỏi về thông tin này. Để xác định thông tin trên, tôi đã hỏi ý kiến thì Bộ GDĐT cho biết vẫn chưa duyệt và càng không có việc đã công bố 6 môn thi tốt nghiệp với những môn thi “lạ” như thế”.
Đính chính lại thông tin, người phát ngôn của bộ GDĐT, ngày 24.3, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng khẳng định: “Đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật, không phải là kênh phát ngôn chính thức từ Bộ GDĐT. Hiện Bộ GDĐT chưa công bố các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Các em học sinh, phụ huynh học sinh, nhà trường, giáo viên các trường THPT trên toàn quốc căn cứ theo kế hoạch chỉ đạo với hướng dẫn cụ thể từ Sở GDĐT các tỉnh, thành phố thực hiện triển khai hướng dẫn ôn tập, chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới”.
Trao đổi với NTNN, ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ THPT Bộ GDĐT, khẳng định: “6 môn thi tốt nghiệp sẽ được công bố trong một vài ngày tới, theo quy định là trước 30.3. Nếu tinh ý, bạn đọc sẽ dễ dàng nhận ra đây là thông tin giả mạo bởi khó có chuyện thi tốt nghiệp bằng các môn thể dục, công nghệ và giáo dục công dân”.
Siết chặt quản lý thông tin tuyển sinh
Vụ việc trên chỉ là một trong rất nhiều những vụ việc giả mạo thông tin trên mạng Internet về giáo dục nói riêng và các vấn đề khác trong xã hội nói chung. Mặc dù vậy, nhiều em học sinh do mới tiếp xúc, vẫn chưa biết cách phân biệt được tính thật giả, đúng sai trong các thông tin trên.
Phó chánh Văn phòng Bộ GDĐT Nguyễn Đình Mạnh
Sau hàng loạt sự cố vừa qua, đã đến lúc các cơ quan ban ngành kết hợp với các trường học siết chặt việc quản lý thông tin tuyển sinh. Thầy Trần Văn Ánh- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Núi Thành, Quảng Nam) khá bức xúc khi rất nhiều trang thông tin trên mạng đưa tin sai sự thật khiến nhiều em học sinh băn khoăn, bối rối.
Thầy Ánh chia sẻ: “Nhà trường luôn cố gắng cung cấp thông tin nhanh nhạy cho các em học sinh về các kỳ thi tuyển sinh. Song hiện nay việc tiếp xúc nhanh với Internet khiến nhiều em nắm bắt thông tin sai, không chính xác. Tôi cho rằng cần phải quản lý thật chặt chẽ những thông tin liên quan đến tuyển sinh, giáo dục bởi nó có thể ảnh hưởng rất lớn đến các học sinh trong giai đoạn ôn thi căng thẳng này”.
Bên cạnh đó, việc hướng dẫn, trao đổi cho các em học sinh những cách thức tiếp cận và tiếp nhận thông tin từ các nguồn như sách báo, truyền hình, Internet... cũng cần phải được nhanh chóng thực hiện. Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho rằng:
“Chúng tôi đang yêu cầu các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên cần nhanh chóng thực hiện công tác phổ biến, hướng dẫn các em học sinh chọn lọc các kênh thông tin tuyển sinh chính xác. Tránh để những trường hợp như vừa qua xảy ra khiến tâm lý các em học sinh bị ảnh hưởng.”
Bộ GDĐT cũng cho biết sẽ phối hợp cùng với các đơn vị liên quan hạn chế tình trạng như trên, đồng thời xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm, tung thông tin thất thiệt về tuyển sinh, giáo dục lên trên mạng Internet.
Nguyễn Dũng - Quốc Hải