Giám đốc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 - đại tá Nguyễn Xuân Minh nghe tôi nhắc kỷ niệm “chuyến xe bão táp” năm nào đã cười: “Chuyện thường ngày ở rừng” ấy mà. Xuống với công nhân, các anh sẽ được nghe những chuyện có lẽ không có ở đâu ngoài xứ sở chúng tôi...”.
Năm 1999, khi Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 (Binh đoàn 15) bổ nhát cuốc đầu tiên xuống vùng đất Mo Ray (Sa Thầy, Kon Tum) cũng là lúc tôi có mặt… Ra đi lúc 4 giờ chiều, gần nửa đêm chúng tôi mới thoát được quãng đường gần 50km kinh khủng này. Cùng nỗi khổ với chúng tôi hôm ấy là chiếc xe chở công nhân mới tuyển đi vào. Thấy cảnh đường sá ấy, các cô gái cứ khóc sướt mướt. Tôi thầm nghĩ chẳng biết rồi trong số họ còn được mấy người dám trụ lại chốn thâm sơn cùng cốc này?
Những đứa trẻ ở Chư Mo Ray. |
Chuyện lứa đôi và…
Đội 1 có 62 công nhân, quê chủ yếu ở Quảng Bình. Nếu nguyên vẹn phải hơn 80 người. Nguyễn Quang Dũng - công nhân đội này kể: Em vốn là dân chài lưới nên cứ hình dung vùng đất mới là “công trường rộn tiếng ca”. Đến nơi hóa ra chỉ một màu rừng hoang lạnh. Mùa mưa, đất trời sũng nước, cả công ty là một ốc đảo. Mùa khô, nắng bỏng da, muôn vật như bị xé ra trong miên man những cơn gió man dại. “Đất này họa chăng chỉ trồng được cây… cột điện. Chuồn khỏi nơi này là đắc sách”. Cùng xã với Dũng, đi 8 người thì 4 bỏ về…
“Thực tình là tụi em bấy giờ cũng rất hoang mang. Nhưng rồi lại nghĩ, sau công ty còn cả Binh đoàn. Vả chăng, sức trẻ mà làm không nên ăn thì nhục quá”. Nhưng đã xác định ở lại thì phải an cư. Bấy giờ công ty có phong trào “Vườn nhà trước, vợ chồng sau”. Vườn nhà không khó, “nửa kia” mới khó… Lúc tuyển quân tỷ lệ nam nữ tương đương, nhưng việc bỏ về của nhiều người đã làm lệch pha. Mỗi đợt sinh hoạt tập thể, mỗi cuộc giao lưu đều là những cơ hội quý giá để gặp gỡ, làm quen.
Tìm được “đối tượng” đã khó, đến với nhau cũng chẳng dễ dàng… Đội này cách đội kia hàng chục cây số, ra khỏi khu tập thể là mịt mùng rừng. Tư lệnh Binh đoàn lên thăm, hỏi công nhân có nguyện vọng gì cấp thiết nhất. Không đôi hồi, các cô nói thẳng: Xin Tư lệnh tuyển nhiều công nhân nam vào để chúng em có cơ hội lấy được chồng… Còn giám đốc thì tuyên bố: Ai về quê lấy được vợ mang vào, công ty sẽ chi tiền tàu xe và thưởng luôn 1 triệu đồng!
Nhưng cuộc sống vốn có những điều kỳ diệu hơn những gì ta nghĩ. Điều kỳ diệu ở đây là tình yêu đã xóa nhòa mọi ranh giới miền quê, dân tộc để không ai phải lẻ bóng trên đời. Chỉ một đội 2, tình yêu đã kết trái 6 miền quê, 5 dân tộc. Mối tình của chàng trai Jrai bản địa A Thẻo với cô gái người Dao Triệu Thị Liên chỉ là một thí dụ...
Suốt 5 năm ròng giữa ốc đảo không điện, không trường, không chợ, nếu không có điểm tựa tình yêu chắc chắn sẽ không có cuộc sống hôm nay… 4.000ha cao su, trong đó hơn 1.000ha đã đưa vào khai thác; năng suất, chất lượng mủ vào hàng cao nhất, tốt nhất trong các công ty Binh đoàn 15. Đời sống vật chất gia đình vững vàng với tiền lương đạt 10 – 15 triệu đồng/tháng, chưa nói những tỷ phú sẽ xuất hiện trong vài năm tới khi hàng trăm ha cao su tiểu điền đưa vào khai thác…
Những mối tình trên vùng đất mới còn biến cải những góc tối nhất của một vùng đất. Làng Le của đồng bào dân tộc Rơ Mâm trước năm 1975 chỉ vỏn vẹn 10 nóc nhà co ro trên núi Ia Xít. Người trong làng biết nhau còn rõ hơn bàn tay. Con gái, con trai trong làng phải lấy nhau bất kể họ hàng. Người không lớn, làng không lớn nổi. Bây giờ làng Le đã là 105 hộ với số nhân khẩu đông nhất xã. Sự giúp đỡ hết mình của Công ty 78 và những chàng rể công nhân đến từ mọi miền quê đã biến cải ngôi làng thoát thai từ cuộc sống hoang dã. Người Rơ Mâm bây giờ cũng biết làm lúa nước, trồng cao su; con em đã có người vào đại học…
“Ngôi trường đặc biệt nhất nước”
Nắng ngốt lên đã già buổi mà đoạn đường dưới tán rừng cao su vẫn ướt nhẫy. Nhiều quãng, chiếc xe U-oat cứ loạng choạng như đánh võng. Chẳng hiểu ngôi trường này ẩn chứa những gì mà thượng tá Phạm Thanh Phong - Chủ nhiệm Chính trị Đoàn Kinh tế Quốc phòng 78 cứ quả quyết với tôi như thế?
Cái không khí thâm u, tĩnh mịch của núi rừng bỗng nghe rạn dần rồi vỡ òa tiếng trẻ. Trên khoảng sân xi măng chói lòa ánh nắng, những sắc màu tuổi thơ phấp phới như một bức trang siêu thực... Dù nằm ở vị trí trung tâm, thế nhưng nhà các cháu vẫn cách trường phổ biến từ 10 – 20km. Thậm chí, khu Nam Mo Ray còn cách trường những 52km. Đường đất mùa mưa trơn nhẫy, mùa khô bụi mù; cha mẹ lại phải đi cạo mủ từ đêm nên hầu hết các cháu đầu tuần đến trường, cuối tuần mới được gặp cha mẹ…
“Mới tý tuổi đầu đã phải quen với cuộc sống doanh trại” – một ý nghĩ chát lòng khi nhìn khu nội trú với hai dãy giường đơn ken sít, những chiếc ba lô sặc sỡ đủ kiểu được xếp gọn đầu giường. Dẫu sao thì bây giờ các cháu cũng có lúc được hơi ấm cha mẹ chứ trước năm 2005, cứ đến tuổi đi học là phải về quê…
Tương lai của một vùng đất mênh mông là thế mà suốt 13 năm qua chắt chiu mới được hơn 170 cháu từ lớp 1 đến lớp 6. Mỗi con người sinh ra trên vùng đất này là mỗi vốn quý, bởi vậy mà tương lai con trẻ đang được Công ty chăm sóc hết lòng…
Có chuyện rằng, những năm còn gian khổ, đích thân ông giám đốc cứ mỗi lần họp hành lại khuyên chị em hãy tính lựa sao đó để sinh con vào những tháng mùa khô. Sinh mùa mưa nhỡ có chuyện gì, không chỉ gia đình mà công ty cũng có lỗi. Mỗi mầm sống cho đất này quý lắm, đắt lắm...
Khu nội trú này, với ngần ấy cháu, đầu tư cơ sở vật chất tính sơ đã trên 2,3 tỷ đồng… “Mọi ý tưởng, mọi mục đích sẽ trở nên vô nghĩa khi con người chỉ là phương tiện”. Điều này với tôi dường như thấm thía hơn, sâu sắc hơn khi được nghe tiếng cười vô tư của con trẻ đang râm ran giữa chiều đại ngàn đang khép…
Trong bữa cơm tối, thượng tá Phạm Thanh Phong ngẫu nhiên đưa một thông tin: Đất “mặt tiền” đoạn chạy qua trụ sở công ty bây giờ có giá những 15 - 20 triệu đồng/m… Hơn 2.000 dân, cộng với cả công ty nữa cũng chưa tới 4.000 người “ngự” trên một diện tích lớn hơn cả tỉnh Thái Bình mà có giá ấy, quả là một tín hiệu đáng mừng cho cuộc sống đang nảy nở. Người ta đang bàn tán rằng trong một tương lai gần, Mo Ray sẽ là một huyện mới. 13 năm qua, Công ty 78 đã giữ vai trò như chiếc lõi hạt nhân cho những phản ứng dây chuyền để góp phần vào tương lai ấy…
Ngọc Tấn