Ông Phi cho biết: “Tôi không biết các doanh nghiệp khác thế nào, chứ Bảo Việt đang triển khai "rầm rầm" thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN). Chúng tôi đang đi các tỉnh để triển khai và tháo gỡ các khó khăn phát sinh. Thời gian qua, chúng tôi đã liên tiếp tổ chức họp bàn với các tỉnh về vấn đề này".
Vậy tại sao trên thực tế, việc tiếp cận với BHNN của người nông dân vẫn rất hạn chế, thưa ông?
- Chúng ta phải thấy một thực tế đó là, đến nay nhận thức của nông dân về BHNN vẫn rất "mù mờ". Hầu hết, người nông dân vẫn chưa hiểu được ai sẽ bảo hiểm sản phẩm cho họ, thủ tục để được tham gia bảo hiểm như thế nào, ai là cơ quan tư vấn giúp đỡ? Nếu xảy ra thiên tai, tranh chấp thì báo cho ai và phải làm thế nào để được BH. Tất cả những điều trên, đến nay người nông dân hầu hết vẫn chưa hiểu.
Ông có thể nói rõ, người nông dân cần phải biết những gì mới tham gia được BHNN?
- Chúng tôi là một trong số ít doanh nghiệp được chỉ định để triển khai thí điểm BHNN. Theo tìm hiểu của chúng tôi, điều quan trọng nhất hiện nay là, nông dân phải được hiểu thật kỹ về BHNN. Nếu trước đây chúng ta bảo hiểm mọi rủi ro của nông nghiệp, thì lần này chúng ta chỉ bảo hiểm đối với từng loại rủi ro.
Chẳng hạn như với cây lúa, chúng ta chỉ bảo hiểm theo sản lượng, trong đó ưu tiên bồi thường cho những thảm họa. Hay với thủy sản chúng ta cũng lấy cấp xã làm cơ sở đánh giá để bồi thường rủi ro... Do vậy, trước hết các địa phương phải tập huấn cho cán bộ cấp xã, sau đó là đến người nông dân để họ hiểu được chính sách BHNN của Nhà nước.
Ông Nguyễn Quang Phi
Theo phản ánh của các hộ nông dân, mức phí bảo hiểm đối với cây trồng, vật nuôi hiện quá cao, chưa kể thủ tục tham gia BHNN rất phức tạp. Có thể đây mới là trở ngại chính, thưa ông?
- Nhiều người đã hỏi tôi, nông dân mua một con bò hết 9 triệu đồng không may rủi ro con bò bị chết thì có được bảo hiểm 100% vốn mua con bò đó không. Hay diện tích trồng lúa của một hộ dân chỉ có 1 sào thì có được tham gia BH không.
Câu trả lời của chúng tôi là, nông dân không thể được bảo hiểm 100% vốn, mà chỉ được hỗ trợ một phần, tùy thuộc rủi ro. Nếu diện tích lúa nằm trong vùng được bảo hiểm, thì 1 sào hay nửa sào cũng vẫn được tham gia bảo hiểm. BHNN thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào việc giám sát, ý thức tự giác của chính quyền địa phương và cả cộng đồng.
Đừng nên trông chờ vào ngân sách
Theo TS. Lê Đăng Doanh, các nước có nền nông nghiệp hiện đại hơn chúng ta rất nhiều đã triển khai BHNN từ lâu. Chính phủ của các nước đều có "bàn tay nâng đỡ" và có các chính sách cho BHNN rất kỹ càng. Doanh nghiệp bảo hiểm nông nghiệp của họ đều được hỗ trợ, và được hưởng các chính sách ưu tiên ưu đãi ổn định, lâu dài như về thuế, phí... Việc Chính phủ VN cho phép thí điểm BHNN là hoàn toàn phù hợp. Vấn đề cốt lõi là, chúng ta phải có cơ chế để khuyến khích được mọi người phải đóng góp: Doanh nghiệp đóng góp, nông dân đóng góp, thương nhân đóng góp. Còn nếu cứ chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước thì BHNN sẽ trở thành một sự bao cấp, ỉ lại, xin-cho, khó phát triển.
Nguyễn Phương (ghi)
Việc triển khai BHNN hiện được giao cho cấp thôn, xã. Theo ông, liệu chính quyền các cấp này có thể thực hiện được kết quả BHNN như mong muốn?
- Với cách tiếp cận BHNN lần này là, cấp xã vừa tham gia vừa giám sát trực tiếp việc BHNN sẽ rất thuận lợi, vì khi triển khai bảo hiểm chúng tôi xác định quy mô theo xã. Vấn đề quan trọng nhất để BHNN thành công là, làm sao để nông dân sản xuất đúng theo quy trình đã được Bộ NNPTNT quy định. Các cơ quan quản lý địa phương sẽ phải hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình.
Về phía DN, khi thực hiện, DN sẽ linh hoạt xem xét các điều kiện khách quan hay chủ quan về việc nông dân sản xuất theo quy trình để bồi thường cho dân khi rủi ro xảy ra. Khuyến nông các địa phương phải bắt tay vào hướng dân nông dân sản xuất theo quy trình thì mới được bảo hiểm. Sẽ xảy ra thực tế là nhiều nơi chưa thay đổi được ngay vì đã quen với cách sản xuất truyền thống, rồi có nơi người dân sẽ phản ứng nhưng vì trách nhiệm các cấp ngành sẽ phải ra sức tuyên truyền để nông dân sản xuất tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!
Mai Nguyễn (thực hiện)