Cuộc hội ngộ bất ngờ
Một ngày giữa tháng Ba vừa qua, phi hành gia người Bỉ Frank de Winne đã đến Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam của Thái tử Bỉ Philippe. Trước khi biết sẽ có cuộc hội ngộ với người anh hùng của VN là phi hành gia Phạm Tuân, Frank De Winne đã nói với vợ mình rằng đó là điều thú vị nhất chuyến đi này. Vợ của De Winne đã bị chính câu chuyện chồng kể về Phạm Tuân thu hút, chị cũng năn nỉ chồng để được đi cùng sang VN, trực tiếp được gặp người anh hùng mà chị chỉ được biết qua “tài liệu” của chồng.
Vợ chồng Frankd De Winne hội ngộ Phạm Tuân (phải) tại Hà Nội. |
Cuộc gặp gỡ của họ diễn ra trong vòng gần 2 giờ, với bao câu chuyện xoay quanh niềm đam mê vũ trụ và giấc mơ làm phi công chiến đấu. Cả De Winne và Phạm Tuân đều đã từng học ở Nga, nên tiếng Nga là ngôn ngữ mà hai người dùng để trao đổi. Nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân chia sẻ, khi người ta đi ra khỏi làng xã mình, thì nhớ đến cây đa bến nước, khi đi ra khỏi Việt Nam, thì nhớ đến Hà Nội thủ đô, còn khi đã vào vũ trụ, tất cả tình cảm đều hướng về trái đất. Khi đó trái đất không có biên giới, không phân biệt quốc gia, là điểm tựa tinh thần duy nhất cho các nhà du hành. “Khoảnh khắc xúc động nhất từ vũ trụ là khi tôi được nhìn thấy đất nước hình chữ S thân yêu của mình qua cửa sổ của con tàu..”
Trong chuyến bay năm 1980, nhà du hành Phạm Tuân được bay cùng nhà du hành của Nga, người đã bay vào vũ trụ vài lần. Ông đã được đồng nghiệp chỉ cho khung cửa sổ tàu và thời điểm con tàu bay qua đất nước Việt Nam.
Giống như nhà du hành Phạm Tuân, nhà du hành Bỉ Frank De Winne cũng có cảm giác đầy xúc động khi lần đầu tiên nhìn ra cửa sổ tàu vũ trụ, nhìn thấy trái đất bằng chính mắt mình và cảm nhận của ông lúc đó là trái đất thật nhỏ bé, mong manh. Nhà du hành vũ trụ Frank De Winne đã hai lần bay vào vũ trụ và mỗi chuyến bay đã để lại cho ông những trải nghiệm khác nhau. Ở trên trạm ISS ròng rã 6 tháng trời và những trải nghiệm của quãng đời làm phi hành gia đã giúp De Winne rút ra nhiều bài học lớn trong cuộc sống đời thường như tuân thủ kỷ luật, tự kiểm soát bản thân và sống vì mọi người.
Ký ức về những ngày “muốn bay”
Nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân chia sẻ, ông có mong muốn được bay vào những ngày niên thiếu tuổi 13, 14. Vào thời của ông, không quân Việt Nam vẫn còn nằm trong vòng bí mật, nên khi vào bộ đội, ông mới bắt đầu nhen nhóm ước mơ làm phi công. Và khi đã trở thành phi công chiến đấu, ông lại mơ ước được trở thành phi công bay trong vũ trụ. Và giấc mơ của ông lớn dần, từ làm phi công chiến đấu tới mơ được bay trong vũ trụ. Ông cũng đã nỗ lực hết mình, tìm mọi cách để thực hiện giấc mơ đó vào năm 2002 và 2009.
Hai nhà du hành vũ trụ đều chia sẻ, giấc mơ bay vào vũ trụ rất đẹp, nhưng để hiện thực hóa giấc mơ đó là một hành trình dài khổ luyện, phấn đấu. Nhà du hành Phạm Tuân cho biết, trên thế giới hiện mới chỉ có hơn 1.000 phi công bay vào vũ trụ, trong đó Nga và Mỹ chiếm phần đa. Nhà du hành Phạm Tuân cho rằng, rèn luyện để trở thành nhà du hành vũ trụ không chỉ là rèn luyện cơ bắp, mà quan trọng là thần kinh và tâm lý phải thật tốt.
Để chuẩn bị cho chuyến bay vào vũ trụ chưa đầy 8 ngày, anh hùng Phạm Tuân đã phải tập luyện trong vòng 1 năm rưỡi trong điều kiện khắc nghiệt. Còn với du hành gia Frank De Winne, ông phải mất 4 năm chuẩn bị cho chuyến bay vào vũ trụ của mình, trong đó 1,5 năm được huấn luyện về kiến thức công nghệ vũ trụ.
Nhưng khi trở về với trái đất, đã có lúc nhà du hành Phạm Tuân cảm thấy cổ không đỡ được đầu do mất thăng bằng. Còn nhà du hành Frank De Winne đã không trở được mình trên giường và cầm vật gì cũng cảm thấy nặng. Ông cũng không được lái xe sau 3 tuần và phải làm hàng loạt các xét nghiệm về cân bằng, xét nghiệm về xương.
Ông cho biết phải mất 6 tháng đến 1 năm cơ thể ông mới trở lại bình thường như trước khi bay vào vũ trụ được. Tuy nhiên, với niềm khát khao được bay vào vũ trụ đã giúp họ vượt qua được những thử thách đó. Với De Winne, cơ hội bay vẫn còn nhiều, song với Phạm Tuân, ông thổ lộ rằng, nếu bây giờ cho ông bay, ông vẫn sẵn sàng.
Hạ Anh