Dân Việt

Tam nông ở Phù Yên

01/05/2012 21:06 GMT+7
(Dân Việt) - Với quyết tâm tạo những bước phát triển mạnh và bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La), đời sống người nông dân nơi huyện nghèo này đang chuyển biến rõ rệt.

Tìm cái khó của dân để hỗ trợ

Chỉ vào đàn bò đang mải mê gặm cỏ dưới chân đồi, ông Hoàng Văn Nhùn, nông dân bản Nhọt xã Gia Phù, huyện Phù Yên, bảo: Đàn gia súc, gia cầm trong xã tăng nhanh cũng là nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước đấy. Mấy năm nay, dân nghèo chúng tôi được nhận nhiều khoản hỗ trợ theo nguyện vọng và khả năng của mình. Ai trồng lúa, ngô; ai trồng rau màu; nuôi cá, phát triển đàn trâu, bò, lợn… thì cứ đăng ký với bản, xã; huyện sẽ tổ chức tập huấn kỹ thuật và cấp vốn hỗ trợ để dân làm ăn. Bây giờ lại có cán bộ khuyến nông bám sát dân bản để hướng dẫn, chỉ đạo nên bà con làm tốt lắm. 2 năm nay, ở bản này đã có hàng chục hộ thoát được cảnh nghèo rồi.

img
Sản xuất ngô hàng hoá đã giúp nhiều hộ nông dân ở huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La thoát nghèo và vươn lên khá giả.

Ông Đinh Xuân Yệt, chủ tịch UBND xã Gia Phù, tâm sự: Là huyện nghèo của cả nước, khó khăn ở Phù Yên nhiều lắm nhưng đầu tư hỗ trợ vào việc gì để mang lại hiệu quả quả cao nhất trong đời sống người dân là câu hỏi luôn làm các lãnh đạo huyện trăn trở.

Chính bởi vậy, mấy năm gần đây, những chính sách hỗ trợ của Phù Yên đều thực hiện trên cơ sở họp bản, họp dân để đầu tư cho đúng chỗ. Đơn cử như việc dạy nghề và học nghề, tập huấn kinh nghiệm sản xuất cũng họp dân. Cán bộ nghe các hộ trình bày nguyện vọng và tư vấn cho bà con lựa chọn cách làm phù hợp với hoàn cảnh của gia đình, xã, bản rồi nhóm các hộ theo nhóm nguyện vọng để tập huấn và có kế hoạch đầu tư hỗ trợ.

"Từ năm 2011 đến nay 38 hộ khó khăn muốn chăn nuôi trâu, bò sinh sản đã được hỗ trợ giống và tu sửa chuồng trại, hàng trăm hộ chăn nuôi được tập huấn kiến thức và hỗ trợ tiêm phòng gia súc hơn 3.400 liều thuốc các loại; hơn 80 hộ đã được hỗ trợ trồng rừng; 384 hộ nghèo được hỗ trợ giống lúa, ngô; khai hoang ruộng nước, cải tạo ruộng bậc thang. Hơn 100 hộ nhà tạm đã được xoá.v.v. Dân được hỗ trợ đúng sở thích, khả năng và nguyện vọng nên phấn khởi lắm" - ông Yệt cho biết vậy.

Nông dân "đổi phận"

Đến với Kim Bon-xã đặc biệt khó khăn cách trung tâm huyện lỵ hơn 40km, nơi ngụ cư của hơn 800 hộ dân, chủ yếu là người: Mông, Dao với nghề nông truyền thống. Trước đây, Kim Bon có tỷ lệ hộ đói nghèo vào hàng cao nhất của huyện bởi giao thông và hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống rất hạn chế. Thêm vào đó, trình độ dân trí, trình độ canh tác của nông dân cũng rất thấp nên "đói, no phụ thuộc vào trời".

Nhưng 3 năm trở lại đây, tỷ lệ hộ nghèo của Kim Bon đã giảm nhanh; riêng năm 2011 giảm 18%, hiện chỉ còn hơn 23%; số hộ khá, giàu tăng lên tới hơn 38%. Ông Vàng A Châu, Chủ tịch hội nông dân xã, cho biết: Cả 10 bản trong xã chỉ còn 96 cái nhà lợp gianh thôi. Năm nay sẽ xoá hết nhà tạm đấy. Bây giờ có điện sinh hoạt và sản xuất, có đường giao thông thuận lợi, nông dân lại được học tập nhiều kinh nghiệm sản xuất mới nên biết cách làm ăn tốt hơn, làm giàu nhanh hơn. Nhiều hộ dã làm kinh tế trang trại, mua sắm máy nông cụ để làm ăn lớn. Nông dân Kim Bon đổi phận rồi.

Năm 2011, tổng vốn đầu tư phát triển của huyện Phù Yên là gần 202 tỷ đồng, tập trung chủ yếu cho nông dân, nông nghiệp và nông thôn. 2 năm 2010 và 2011 đã xoá gần 4.000 nhà tạm; đào tạo và tạo việc làm cho gần 2.000 lao động nông thôn mỗi năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ gần 40% năm 2009 xuống còn 30,15% vào cuối năm 2011. Năm 2012 huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 26,1%...

Trong ngôi nhà kê lợp ngói mới được tu sửa lại ở bản Suối On, lão nông Vàng A Tráng, tâm sự: Người dân Kim Bon cũng như nhiều dân nghèo khác trong huyện khá giả lên là nhờ Nhà nước đấy. Huyện cho con đường tốt để đi, cho cái điện để thắp sáng, nghe dài, đọc báo; lại cho kênh mương dẫn nước trồng trọt; cho con giống, cây giống để trồng; đưa vốn và cán bộ xuống giúp dân… Tôi từ một hộ nghèo đã thành hộ giàu, là nông dân sản xuất giỏi, có hàng chục con trâu, bò; có trang trại với mức thu nhập gần 70 triệu đồng/năm cũng là nhờ vậy. Anh cứ sang bản Dàn, Suối Bương, Suối Vạch… cũng sẽ gặp nhiều người hộ đang thoát nghèo, làm giàu như tôi. Bình quân mỗi hộ trong xã đã có gần 10 con gia súc rồi đấy. Lương thực không thiếu nữa, nhà cửa chắc chắn rồi, bây giờ chỉ lo làm giàu thôi.