"Thời điểm năm 1991, đồng lương của nghề giáo ít, trong đầu tôi lúc nào cũng ấp ủ dứt khoát phải làm giàu từ làm vườn"- ông Xuân nhớ lại. Năm 1992 ông Xuân cải tạo lại mảnh vườn tạp 3.500m2 cha mẹ để lại để trồng cam. Sau hơn 2 năm chăm sóc vườn cam bắt đầu cho trái, thu hoạch bán được gần 35 triệu đồng.
Ông Xuân bên hầm cá trê lai chuẩn bị xuất bán. |
Năm 1997, ông quyết định bán "lúa non" toàn bộ diện tích đất cũ do có người trả được giá, để mua diện tích đất khác. Trên mảnh vườn mới, do thổ nhưỡng không hợp với cam nên cây bị bệnh kéo dài khiến cho toàn bộ vườn cam chết rụi dần. Thuê người đốn hết số cam bệnh, ông quyết định chuyển sang chuối cau trên diện tích 2ha. Trồng chuối cũng chẳng được bao lâu thì cây già cỗi, trổ buồng èo uột không hiệu quả.
Ông bỏ cây trồng rồi đi tận Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long… để tìm hiểu, học hỏi nuôi con ba ba, trăn, cá lóc, cá tra, cá rô… Cuối cùng ông đi đến quyết định chọn nuôi con cá trê lai. Lý do ông chọn cá trê lai chỉ đơn giản vì loại cá này dễ nuôi, mau lớn, ít bệnh, đầu ra dễ dàng.
Tận dụng hố bom bên hông nhà mình, ông thuê người dọn dẹp, vét sạch sình, làm sạch đâu đó hẳn hoi. Giữa năm 2001, ông đánh liều mua 130kg cá giống về thả. Từ lúc thả cá đến lúc thu hoạch suốt ngày ông chỉ quanh quẩn ngoài ao theo dõi đàn cá.
Do mới nuôi nên ông chưa có mối cung cấp nguồn nguyên liệu nên 4 giờ sáng mỗi ngày ông phải chạy xe 20 cây số để xếp hàng mua cá tạp. Sau 3 tháng nuôi, trừ chi phí lứa cá đầu tiên ông thu lời được 27 triệu đồng. Thấy "ngon ăn", lứa cá thứ hai ông thả tiếp 230kg cá giống thu lời trên 56 triệu đồng. Sau lứa cá thứ hai, ông thuê người đào thêm ao để mở rộng diện tích nuôi.
Tiền lời từ trê lai, năm 2006, ông mua thêm 1,5ha đất, mướn xáng cạp đào mặt hầm chia thành 4 ao. Từ năm 2007 cho đến nay bình quân 8 ao cá đem về thu nhập cho gia đình thầy từ 500 - 600 tấn cá.
Bên hầm cá hàng chục tấn chuẩn bị xuất bán ông Xuân khoe: "Tôi vừa xây xong nhà kho để làm nơi chứa tấm cám và mua 4 xe tải nhỏ để thu mua thức ăn".
Đức Khánh