Thưa ông, thực tế đầu tư FDI vào nông nghiệp (NN) đang ngày một giảm, có phải do chúng ta chưa có các cơ chế chính sách cũng như ưu đãi đủ mạnh?
- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó. Về khách quan đây là lĩnh vực chứa đựng nhiều rủi ro, lợi nhuận không cao, sản xuất NN của ta quy mô nhỏ, phân tán, thiếu tính liên kết, phối hợp; cơ sở hạ tầng khu vực nông nghiệp, nông thôn nước ta chưa phát triển; sản xuất NN chưa hình thành được các chuỗi giá trị bền vững từ cung ứng đầu vào, canh tác trên đồng ruộng, thu hoạch, đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ...
Về chủ quan, cơ chế, chính sách cũng có vấn đề, các chính sách về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư chưa đủ mạnh là một ý. Ý nữa là các quy định về liên kết, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng với nông dân còn chưa đầy đủ, chế tài chưa đủ mạnh nên đã xảy ra rất nhiều trường hợp phá bỏ hợp đồng về tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và người nông dân, ảnh hưởng đến việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tập trung, ổn định của các doanh nghiệp FDI.
Có ý kiến cho rằng, chúng ta cũng chưa có chiến lược, định hướng rõ ràng, nhiều dự án cụ thể hấp dẫn để thu hút FDI vào NN?
- Các quy định của pháp luật hiện hành về thủ tục đầu tư và tổ chức hoạt động của các dự án FDI trong NN chưa tính đến đặc thù của ngành NN và công nghiệp chế biến nông sản. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan địa phương trong thẩm định, cấp phép dự án chưa nghiêm túc và rõ ràng, làm nhà đầu tư mất nhiều thời gian, chi phí giao dịch, nhất là các dự án nhạy cảm về môi trường sinh thái…
Chính sách đất đai, mặt nước; tín dụng... chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án FDI trong NN. Hầu hết các dự án FDI trong lĩnh vực này cần vùng nguyên liệu tập trung, đều gặp phải sự trắc trở, thậm chí là bế tắc trong tiếp cận đất đai. Chính sách tín dụng chưa hỗ trợ cho các dự án FDI...
Ngoài ra phải kể đến các nguyên nhân từ thủ tục hành chính rườm rà, chính sách thuế và các chế độ ưu đãi đầu tư trong NN ở các địa phương chưa rõ ràng...
Hiểu rõ những cản ngại đó, vậy tại sao chúng ta không có những tháo gỡ cụ thể về chính sách để tạo động lực thu hút nhà đầu tư FDI vào NN, thưa ông?
- Chúng ta đang và tiếp tục tháo gỡ khó khăn để thu hút doanh nghiệp đầu tư về NN, nông thôn. Một trong những tháo gỡ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu, xem xét sửa đổi lại Nghị định 61/NĐ-CP về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư về nông nghiệp, nông thôn, trong đó có doanh nghiệp FDI, đồng thời Bộ vẫn thường xuyên rà soát xem xét lại các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đầu tư FDI nói chung, kể cả về thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư FDI vào khu vực.
Để thu hút được vốn FDI , nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân sản xuất lớn. |
Bộ NNPTNT đã xây dựng Chương trình hành động thu hút FDI trong NN, trong đó xây dựng các danh mục dự án ưu tiên gọi vốn FDI có trọng điểm cho từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể. Theo ông, điều này có giúp phá thế ì ạch của đầu tư FDI vào NN không?
- Tôi cho đây là những bước đi đúng, cần thiết phải làm, một trong những biện pháp khuyến khích đầu tư FDI vào khu vực nông nghiệp nghiệp và phát triển nông thôn, bên cạnh việc nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách và pháp luật để cho khu vực NN ngày càng hấp dẫn hơn các nhà đầu tư.
Việc tăng cường thu hút nguồn vốn FDI vào NN, nông thôn là rất quan trọng, các dự án FDI sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế NN-NT, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị hàng nông sản xuất khẩu của nước ta và giúp ngành NN tiếp nhận được nhiều công nghệ mới, phương pháp quản lý mới, tiên tiến.
Bên cạnh đó, các dự án còn tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người dân các địa phương, cải thiện đời sống kinh tế - xã hội của vùng nông thôn. Tuy nhiên, nếu không có các giải pháp, chính sách mạnh dạn hơn thì tôi cho ràng khó mà đạt mục tiêu...
Chính sách "mạnh dạn hơn" ở đây cụ thể là như thế nào?
- Đó là bên cạnh việc tiếp tục duy trì thì cần xem xét mở rộng thêm các ưu đãi, hỗ trợ hiện hành phù hợp với các quy định của WTO đối với các dự án FDI đầu tư vào NN.
Việc thiết kế chính sách cần theo hướng đơn giản, dễ tính, dễ quản lý để cho nhà đầu tư có thể tiên lượng được ngay từ khi lập dự án rằng họ sẽ được ưu đãi, hỗ trợ những khoản gì và tính ra tiền là bao nhiêu nếu họ thực hiện một dự án cụ thể; thủ tục hành chính để giải ngân các khoản ưu đãi, hỗ trợ quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhất là Bộ Tài chính cũng cần được xem lại, làm sao thật đơn giản để không làm nản lòng doanh nghiệp.
Cần có các biện pháp tạo thuận lợi để nông dân tiếp cận vốn vay đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu nông sản phục vụ công nghiệp chế biến. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và người nông dân tham gia bảo hiểm để giảm bớt rủi ro trong sản xuất, kinh doanh; Ưu tiên vốn tín dụng ngân hàng cho các dự án FDI trong lĩnh vực đầu tư tạo giống, sản xuất sản phẩm xuất khẩu…
Riêng về vấn đề đất đai, cần gỡ khó như thế nào?
- Cần mạnh dạn thực hiện các chính sách về đất đai, mặt nước tạo thuận lợi cho các dự án FDI vào NN. Cụ thể chính quyền địa phương chủ động quy hoạch vùng nguyên liệu nông sản cho nhà đầu tư gắn với các hình thức chuyển giao quyền sử dụng đất từ nông dân sang nhà đầu tư trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà đầu tư với nông dân theo quy định của Luật Đất đai hiện hành về các hình thức cho thuê hoặc góp vốn bằng đất để cùng kinh doanh NN.
Mở rộng và đảm bảo quyền lợi của người nông dân trong việc chuyển giao quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư, đi đôi với đảm bảo khả năng sử dụng đất ổn định theo quy hoạch của nhà đầu tư.
Xin cảm ơn ông!
Ông Steven Jaffee, điều phối viên Phát triển nông thôn của WB tại Việt Nam:
Tôi rất ngạc nhiên là tại sao vốn đầu tư nước ngoài FDI vào nông nghiệp Việt Nam lại ít ỏi như vậy. Có thể là do ngành nông nghiệp Việt Nam có nhiều công ty nhà nước, họ can dự ở nhiều lĩnh vực và khiến các nhà đầu tư nước ngoài không biết "luật chơi" là gì, khiến khu vực tư nhân băn khoăn, làm sao họ có thể cạnh tranh. Thứ hai, nông nghiệp Việt Nam không có điều kiện để làm những điền trang lớn (diện tích bị chia cắt thành các khoảnh nhỏ).
Các nhà đầu tư khó có thể làm việc với hàng ngàn nông dân được. Chẳng hạn như ở Thái Lan, Campuchia, họ có những thửa rộng hàng ngàn hecta. Việt Nam có truyền thống làm nông nghiệp, nhưng hiện nay, so với các nước láng giềng, giá trị gia tăng trong lĩnh vực này rất thấp, tính trên đầu người rất thấp, không chỉ so với Thái Lan, Trung Quốc, Philippines mà thậm chí so với cả Campuchia. Bởi phần lớn đất đai của Việt Nam là dành cho lúa gạo, là loại hàng có giá trị thấp.
Ông Kuniaki Baba - Giám đốc Công ty TNHH Trồng rừng Quy Nhơn:
Công ty chúng tôi có 100% vốn của Nhật Bản, hoạt động tại Việt Nam từ năm 1995. Hiện nay, công ty đang có 10.000ha rừng trồng, cung cấp nguyên liệu cho Công ty Giấy Uji. Kế hoạch của Uji là trồng 300.000ha rừng nguyên liệu, tập trung ở Việt Nam, Brazil, Australia, Lào...
Hiện công ty này đã trồng được 140.000ha. Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ là cơ hội để Uji tìm kiếm đất đai, mở rộng diện tích. Song đến giờ này, công ty vẫn đang loay hoay tìm đất cho dự án. Chúng tôi đã đặt vấn đề này lên chính quyền địa phương. Địa phương cũng nhiệt tình giúp đỡ. Nhưng cuối cùng, câu trả lời mà chúng tôi nhận được là đất đai đã nằm trong quy hoạch của tỉnh và đất còn để dành cho các dự án khác.
PV (tổng hợp)
Mai Hương (thực hiện)