Dân Việt

Cuộc hội ngộ kỳ diệu giữa Sài Gòn của 4 anh em ruột

30/04/2012 12:07 GMT+7
(Dân Việt) - Nhiều năm nay, tôi nghe các cựu chiến binh quê tôi thường kể cho nhau nghe về cuộc hội ngộ kỳ diệu của 4 anh em ruột con trai của cụ Nguyễn Nhuận và Trần Thị Ưu ở xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Đời thường bề bộn, lúc nhớ lúc quên, mãi tới tháng 4.2005, nhân kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng Sài Gòn, tôi mới tìm được đến nhà anh Nguyễn Xuân Tùng, người anh cả của 4 anh em trai đó. Nguyễn Xuân Tùng, bút danh Xuân Tùng, nguyên là Trưởng ban biên tập Báo Hải quân nhân dân. Anh là một phóng viên ảnh quen thuộc với người lính vào các thập kỷ 60, 70 thế kỷ trước. Bằng cái giọng rủ rỉ của một cựu chiến binh sắp chạm ngưỡng “cổ lai hy”, anh Xuân Tùng kể:

- Bố mẹ tôi sinh được 4 người con trai. Tôi là anh cả, nhập ngũ năm 1960 làm lính hải quân. Khi cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ mở rộng ra miền Bắc, liên tiếp trong 3 năm: 1966, 1967, 1968, 3 người anh em của tôi nối nhau lên đường đánh giặc.

img
Các chiến sĩ quân giải phóng gặp gỡ người dân Sài Gòn trưa 30.4.1975.

Bố tôi là người có học chữ Nho, cụ thường dặn anh em chúng tôi: “Xã tắc lâm nguy, thất phu hữu trách. Các con là phận làm trai, Tổ quốc có họa xâm lăng thì phải ra đi cứu lấy nước nhà”. Mẹ tôi sụt sịt khóc. Có người mẹ nào lại muốn con mình xông pha vào nơi mũi tên hòn đạn. Mẹ chỉ nghẹn ngào: “Các con ra đi cho khỏe chân, khỏe tay. Gắng sống cho bằng anh, bằng em nghe con!”.

Từ người lính hải quân, tôi trở thành phóng viên Báo Hải quân nhân dân. Mấy đứa em tôi, em thứ: Nguyễn Quang Vinh vào lính trở thành sĩ quan điều khiển tên lửa. Em thứ 3, Nguyễn Xuân Tư trở thành sĩ quan tham mưu thuộc Quân đoàn 2. Chú út, Nguyễn Trọng Nghĩa, là đại úy, Tiểu đoàn trưởng công binh Đoàn 559. Vậy là tất cả 4 anh em chúng tôi ở 4 binh chủng đều trưởng thành, trở thành đảng viên, sĩ quan trong quân đội.

Những năm tháng ấy, 4 anh em mỗi người một binh chủng lại bận đánh giặc liên miên, nên suốt thời gian chiến tranh không một lần gặp nhau. Thỉnh thoảng 5,6 tháng, có khi cả năm ròng chúng tôi mới nhận được những lá thư hiếm hoi của nhau, gửi từ khắp các chiến trường. Như những người lính thời đó, dưới mỗi lá thư anh em chúng tôi chỉ có một lời hẹn: “Ngày toàn thắng anh em mình gặp nhau giữa Sài Gòn!”.

Tháng 4.1975, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tôi theo tàu hải quân ta đổ bộ lên Vũng Tàu rồi theo đại quân từ hướng Đông tiến về Sài Gòn. Em thứ hai, Nguyễn Trọng Nghĩa cùng binh đoàn từ hướng Tây tiến đến thành phố. Người em thứ ba, thứ tư cùng đại quân ào ạt từ hướng Bắc đè bẹp các ổ đề kháng đang giãy chết của địch, thần tốc tiến về Sài Gòn.

Trong cuộc hội quân lịch sử ngày 30.4.1975, tại thành phố mang tên Bác kính yêu, cả 4 anh em không ai ngờ mình đều đang có mặt tại Sài Gòn. Chiều 30.4, tôi say sưa bấm máy ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của những đoàn quân đang ào ạt tiến vào thành phố trong rừng cờ hoa của người dân Sài Gòn đổ ra đường chào đón.

Đi trong đội hình các đoàn quân, mấy em trai nhận ra tôi. Họ ào cả lại, quân phục người nào, người nấy sạm đen khói súng, lấm láp bụi đường. Mặc! Chúng tôi ào đến ôm chầm lấy nhau, vừa cười, vừa la hét mà nước mắt người nào cũng giàn giụa.

- Vậy lúc đó, vào cái thời khắc lịch sử đó, là phóng viên ảnh, anh có ghi lại được tấm hình của cuộc hội ngộ kỳ diệu ấy không? - Tôi háo hức hỏi ngang lời anh.

Xuân Tùng cười hiền:

- Mãi sau đó tôi mới nghĩ đến cái điều anh hỏi. Quả thật, lúc đó anh em phóng viên Báo Quân đội ta ở đó không ít, mà toàn những bậc tay tổ cả. Riêng tôi cũng mang 2 cái Pratica nova trên người. Vậy mà quên! Sướng quá! Vui quá! Hạnh phúc quá mà quên! Tiếc vô cùng, anh ạ!

Tôi lại hỏi:

- Bây giờ 4 anh em có còn thường xuyên gặp nhau không? Chẳng hạn như những ngày 30.4 hàng năm?

- Thời kinh tế thị trường, lạ, còn bận rộn hơn cả thời chiến tranh. Về hưu như tôi, đâu đã nghỉ, phải lo làm việc, lo dạy bảo cho các cháu học hành cho nên người. Các chú ấy, một chú dũng cảm hy sinh. Hai chú còn lại, sau chiến tranh biết phát huy phẩm chất “Anh bộ đội Cụ Hồ”, đều làm ăn giỏi, trở thành những “ông chủ” cả. Thường đến ngày 30.4 các chú ấy vẫn thường về hội ngộ tại nhà tôi, nhưng chẳng bao giờ đủ cả. Thế mới biết, cuộc hội ngộ bất ngờ của 4 anh em ruột chúng tôi ngay giữa Sài Gòn, ngày 30.4.1975 ấy kỳ diệu quá! Phải không anh?

Khi tôi viết những dòng này, anh Xuân Tùng đã trở thành người thiên cổ vì lâm bạo bệnh. Xin cho những dòng chữ này thành nén tâm hương gửi tới anh, người lính đã cùng dân tộc mình, đồng đội mình làm nên cuộc hội ngộ kỳ diệu ấy. Cuộc hội ngộ lịch sử giữa Sài Gòn trong ngày lịch sử vĩ đại ngàn năm có một của đất nước - ngày 30.4.1975!

Tháng 4.2012