Ảnh minh họa |
Nơi âm thầm chạy
“Thừa suất vào trường tiểu học Đặng Trần Côn B (Thanh Xuân) năm 2012, ai có nhu cầu xin liên hệ số điện thoại số 0918456…”. Đó là lời quảng cáo vừa được tung lên trang webtretho những ngày gần đây. Tất nhiên, đối tượng cần đến “suất học” này là HS muốn vào học tại một trường được cho là “trường điểm” như trường Đặng Trần Côn B nhưng lại không thuộc diện nhập học đúng tuyến.
Tùy từng hoàn cảnh mà PHHS có thể chọn cho con học ở những môi trường khác nhau. Thậm chí, một khi đã vào được một trường được cho là “trường điểm” mà PHHS phó mặc con cho trường thì không bao giờ con thành tài. Học ở bất kỳ ngôi trường nào, nếu các bé thích nghi tốt và được gia đình quan tâm chăm sóc thì đều có cơ hội thành công như nhau.
(Bà Nguyễn Thị Hiền, hiệu trưởng trường tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm)
Chạy trường điểm-là khái niệm đã quá quen thuộc với nhiều PHHS thành thị. Thậm chí, bây giờ tháng 3, 4 hàng năm còn được gọi vui là tháng cao điểm của việc “chạy trường”. Theo quy định của ngành GD, từ ngày 2-16.7, các trường bắt đầu tuyển sinh.
Từ sau ngày 16.7, những trường tuyển chưa đủ chỉ tiêu, trên cơ sở cho phép của Phòng GD-ĐT sẽ tuyển bổ sung. Tuy nhiên, một PHHS cho biết: chẳng ai chờ tới sau ngày 16.7 mới chạy trường điểm. Chỉ đến cuối tháng 4 và giữa tháng 5 là các suất học đều đã có người “đặt gạch” hết.
Thầy giáo Hà Anh Toàn, hiệu trưởng trường tiểu học Trung Phụng là người rất có kinh nghiệm “bắt mạch” bệnh trái tuyến. Theo ông, để có được một suất học trái tuyến tại một trường điểm, gia đình HS phải có 1 trong 3 yếu tố: có tiền, có quyền và có quan hệ. PHHS có “thế” thì dùng quyền trực tiếp ép xuống trường.
Một số khác thì vận dụng mọi mối quan hệ như thư tay, điện thoại của chủ tịch quận, huyện, công an phường, xã… để xin học cho con. Một số bắt mối trực tiếp với hiệu trưởng, làm quen với giáo viên để mua suất học…
Một PHHS, đang tìm cách xin cho con vào học trái tuyến tại một trường ở quận Hoàn Kiếm cho biết: Năm nay, Anh dự tính chi khoảng 500 USD mà… không biết có ổn không. Tuy nhiên, mức giá tưởng như khá cao với lương tháng của công chức này lại được nhiều PHHS khác cho là “quá rẻ”.
Tâm sự trên webtretho, một PHHS cho biết: Trường càng điểm, càng trung tâm thì “tiền” càng cao. Nghe đồn, trường K, chạy mất khoảng 1000 USD, trường L tận “6 vé”. Nhưng, kể cả khi đã chấp nhận bỏ tiền mà không có người dắt mối và bảo lãnh thì cũng chưa chắc đã được nhận.
Nơi lại “rung đùi”
Ngược với không khí “căng thẳng” của một số gia đình khi tìm trường học vào lớp 1 cho con là thái độ “ung dung” của một bộ phận PHHS. Thay vì tìm cách xin học cho con vào trường trái tuyến, số PHHS này lại vui vẻ cho con học đúng tuyến tại “trường làng” với quan điểm: Trẻ tiểu học… học gần nhà là tốt nhất
Vợ chồng anh Nguyễn Thành Đông, công ty cổ phần Việt Building, ở H5 Khu đô thị mới Việt Hưng, Long Biên năm 2011-2012 có con trai đến tuổi đi học. Ban đầu, anh cũng dự tính xin cho con vào trường tiểu học Việt Nam-Cu Ba ở phố Nguyễn Trường Tộ, quận Ba Đình. Nhưng rồi, suy đi tính lại, thấy rằng quãng đường từ nhà đến trường khá xa, nếu kéo dài cả năm rất... không ổn.
Thêm nữa, vợ chồng anh không thể bỏ làm để chầu chực đón con nên cuối cùng, anh cho con học tại trường gần nhà là tiểu học Ngô Gia Tự. Bé Nguyễn Hoàng Khánh hiện là HS lớp 1A2 của trường. Đã gần hết một năm học, anh Đông cho biết: Bé học tập rất tốt, môi trường học cũng không có gì đáng “phàn nàn”.
Và cái lợi rõ nhất mà anh có được là thay vì mất một lao động chính để đưa đón con, bé Khánh có thể tự đi bộ về nhà sau khi tan học. Từ chỗ nhút nhát, giờ bé tỏ ra tự tin, độc lập hơn và có kỹ năng ứng phó với nhiều tình huống bất ngờ gặp phải trên đường về nhà. “Sức khỏe của trẻ là quan trọng nhất. Nhờ học trường gần nhà mà sáng con có thể ngủ dậy muộn một chút, chiều về sớm có thời gian vui chơi, đi dạo với bà” anh Đông nói.
Còn chị Thảo My (Khương Thượng, Đống Đa), sau khi quyết định năm nay sẽ nhập học đúng tuyến cho con tại trường tiểu học Tam Khương cũng tỏ ra “thư thái”. “Nhiều gia đình quanh đây thích xin cho con vào học tại các trường như Kim Liên, Thái Thịnh, Nam Thành Công... mà để xin học trái tuyến thành công vất vả lắm.
Cho con học đúng tuyến, mình không phải lo “khởi động sớm”. Theo đúng kế hoạch, ngày 1.7 mình cứ đàng hoàng đi nộp hồ sơ cho con”. Và, cũng nhờ quyết định này, chị My không còn phải lo “chạy tiền mua suất” như lời đồn thổi. “Lương hai vợ chồng chỉ gần 10 triệu/tháng. Nếu vì vào trường điểm mà ảnh hưởng tới sinh hoạt gia đình… cũng không nên”.
Thêm một lợi thế nữa, trong khi những HS trường điểm phải chấp nhận sĩ số HS/lớp có thể lên tới 50 em thì tại trường làng, các em lại có điều kiện được cô quan tâm tốt hơn do vắng HS hơn. Một PHHS có con học trường tiểu học Trung Phụng tỏ ra khá hài lòng với chất lượng dạy-học ở đây: “5 năm học tại trường, sĩ số bình quân lớp con chị chỉ là 20-25 HS/lớp, bằng một nửa so với trường điểm.
Nhờ thế, PHHS “không phải mua điều hòa, cũng không phải lo đóng tiền mua tăng âm cho cô giảng bài và “tuyệt” nhất là cô giáo có điều kiện để quan tâm đến từng cháu”.
Theo ông Hà Anh Toàn, PHHS nào cũng muốn con được học trường tốt. Để giải quyết tận gốc căn bệnh “chạy trường”, ngành GD-ĐT cần tạo sự công bằng về chất lượng giáo dục giữa các trường. Hãy để PHHS yên tâm cho con học ở bất cứ đâu và các trường cũng không phải chịu tiếng “trường làng”, trường điểm một cách oan uổng.