Sự đột biến, dị thường và khác biệt là ở chỗ: Tháng 4.2012, nắng nóng đến khá sớm và xảy ra nhiều đợt so với chuỗi số liệu nhiều năm đã thu thập được từ trước đến nay.
Tháng 4.2012, khu vực phía tây Bắc Bộ, các tỉnh vùng núi phía Bắc, vùng đồi núi trung du Bắc Bộ, bắc và trung Trung Bộ đã phải hứng chịu ba đợt nắng nóng từ cục bộ đến diện rộng hoành hành. Riêng các tỉnh đồng bằng và ven biển chỉ xuất hiện hai đợt nắng nóng (nhiệt độ cao nhất chỉ lên đến xấp xỉ mức lịch sử).
Đợt nắng nóng cục bộ đầu tiên tấn công khu vực phía tây Bắc Bộ và Trung Bộ kéo dài 3 ngày (từ 16-19.4). Đợt hai nắng nóng lan tỏa rộng hơn, cường độ mạnh hơn. Nhiều nơi đạt mức nắng nóng gay gắt đến đặc biệt gay gắt, kéo dài từ ngày 24-26.4. Đợt ba nắng nóng xảy ra trên diện rộng, cường độ vẫn duy trì ở mức gay gắt, có nơi đạt mức đặc biệt gay gắt, kéo dài từ ngày 28.4 đến nay và vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Do thời tiết quá nóng bức, cùng với hanh khô mạnh, độ ẩm giảm thấp khiến nhiều người không chịu nổi sự khốc liệt của thời tiết nên đã đổ cả “máu cam”. Người dân miền Bắc và Trung Bộ cảm thấy choáng vì nóng bức bất thường.
Ngoài ra, nhiệt độ cao nhất quan trắc được ở một số địa phương đạt mức kỷ lục, như Thủ đô Hà Nội lên tới 38,3 độ C; Nghĩa Lộ (Yên Bái) 38,5 độ C; Định Hóa (Thái Nguyên) 39,9 độ C; Phù Yên (Sơn La) cao hơn 40,1 độ C; Bảo Yên (Lào Cai) 39,9 độ C; Cửa Rào, Con Cuông (Nghệ An) 40,6 độ C; Tam Kỳ (Quảng Nam) 38,2 độ C. Nơi có nhiệt độ cao nhất là Quỳ Châu (Nghệ An) đạt mức 42 độ. Tất cả đều xảy ra vào ngày 25.4. Nam Đông (Thừa Thiên Huế) đạt kỷ lục 38,5 độ C vào ngày 30.4.
Lưu Minh Hải