Dân Việt

Chấm thi tốt nghiệp 2012: Kiểm dò từng bài thi

09/06/2012 07:21 GMT+7
(Dân Việt) - Thời điểm này, các sở GDĐT địa phương đã bắt tay vào việc chấm thi tốt nghiệp THPT để nhanh chóng có kết quả báo cáo Bộ trước ngày 14.6.

Hậu kiểm sát sao để phát hiện tiêu cực

Không còn chấm chéo giữa các tỉnh, nhưng nhiều sở GDĐT cho biết vẫn thực hiện chấm chéo giữa các cụm thi trong tỉnh để phát hiện tiêu cực.

img
Thí sinh Bắc Giang sau buối thi cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012.

Năm nay, Sở GDĐT TP.Hồ Chí Minh đã huy động 1.200 cán bộ làm công tác chấm thi, trong đó riêng môn địa và sử có khoảng 240 giáo viên/môn, tăng gấp đôi so với năm trước. Tất cả các cán bộ chấm thi đều được lựa chọn từ giáo viên, lãnh đạo các trường THPT công lập và các phòng ban của Sở.

Hội đồng chấm thi được đặt tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), bắt đầu tiến hành chấm từ ngày 7.6, dự kiến sẽ hoàn tất sau 10 ngày làm việc.

Theo ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GDĐT: “Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, hội đồng sẽ chấm thi theo nguyên tắc tách riêng bài thi của khối giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Sở cũng sẽ tiến hành chấm hậu kiểm ngẫu nhiên một lượng bài thi đã được chấm”.

Tương tự, ngày 8.6, Sở GDĐT tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã bắt tay vào việc chấm thi tốt nghiệp. Theo ông Nguyễn Phú Sơn – Phó Giám đốc Sở, vẫn thực hiện chấm chéo giữa các hội đồng thi và chấm hậu kiểm kỹ càng. Dự kiến đến ngày 16.6 sẽ công bố kết quả tốt nghiệp tạm thời và nhận đơn phúc khảo bắt đầu từ ngày này.

Ông Sơn cũng cho biết thêm: “Quy trình chấm thi của Sở thực hiện đúng theo hướng dẫn, mỗi bài thi tự luận sẽ phải được 2 giám khảo chấm độc lập, ghi điểm riêng theo số phách và phiếu chấm cá nhân. Nếu chênh lệch từ 1,0 điểm trở lên sẽ xem xét chấm lại”.

Giám đốc Sở GDĐT Vĩnh Long - bà Trương Thị Bé Hai thì cho biết: “Chúng tôi vừa triển khai công tác chấm thi được hai ngày nay, tại các điểm chấm thi không có xảy ra sự cố nào, các giáo viên chấm thi đúng theo quy định và đảm bảo công bằng cho thí sinh”.

Trước lo ngại về việc sẽ xảy ra hiện tượng “bắt tay” nhau chấm lỏng đã từng xảy ra ở các hội đồng thi tại ĐBSCL, lãnh đạo Sở GDĐT Tiền Giang – ông Trần Thanh Đức cho biết: “Dù được tự chủ nhưng năm nay, quy định chấm thi của Bộ GDĐT rất rõ ràng, không thể có chuyện các sở làm liều được”.

Không được làm tròn ở thang điểm 100

Năm 2008, khi các tỉnh tự chấm bài của thí sinh mình, tỷ lệ chấm điểm vượt so với chất lượng thực của bài thi từ 3 - 4,75 điểm. Năm 2009, khi bắt đầu thực hiện chấm chéo, điểm sai số chỉ từ 0,25 - 1 và tỷ lệ chấm lệch trên cả nước giảm từ 38,8% xuống còn 4,93%. Năm nay, khi các tỉnh lại… tự chấm bài của mình, dư luận lo ngại, liệu hiện tượng sai số như vậy có tái diễn?

Để siết chặt hiện tượng này, Bộ GDĐT cho biết đã có hướng dẫn rất cụ thể và chi tiết trong việc chấm thi, trong đó riêng các môn trắc nghiệm, Bộ yêu cầu các đơn vị kiểm tra lại phần mềm chấm thi trắc nghiệm để đảm bảo điểm bài thi của thí sinh được giữ nguyên (không làm tròn ở thang điểm 100) trước khi quy sang thang điểm 10.

Tại Bắc Giang, các bài thi đã bắt đầu rọc phách và chấm từ ngày 6.6. Bà Nguyễn Thị Bích Hợp -Chánh Văn phòng Sở GDĐT Bắc Giang cho hay, cho tới thời điểm này vẫn chưa có kết luận của thanh tra về sai phạm tại Trường THPT DL Đồi Ngô nên toàn bộ bài thi của thí sinh vẫn được chấm bình thường. Sau khi có kết luận thanh tra và phương án xử lý của Sở GDĐT Bắc Giang, số phận các bài thi mới được định đoạt.

Đối với các môn thi tự luận của kỳ thi năm nay, Bộ đã thiết kế phiếu chấm cá nhân, phiếu chấm thống nhất điểm cho từng môn thi tự luận để thống nhất thực hiện trong phạm vi toàn quốc.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết: “Với những quy định chặt chẽ như vậy, Bộ không cho phép địa phương nào viết lại hướng dẫn chấm thi và thang điểm mà Bộ đưa ra”. Cũng theo ông Hiển, trước khi tiến hành chấm điểm, để đảm bảo tính chính xác của dữ liệu bài thi, giảm tối đa thiệt thòi cho các bài thi mắc lỗi kỹ thuật, các đơn vị phải chú ý khâu kiểm dò (đây được coi là quy trình bắt buộc).

Bộ GDĐT cũng lưu ý, trong quá trình chấm thi phải lưu ý phát hiện các sai phạm của thí sinh và giám thị trong các hội đồng thi để báo cáo các sở GDĐT xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của quy chế thi. Từ ngày 14.6 sẽ bắt đầu có kết quả thi tốt nghiệp.