Dân Việt

Cô gái Tày vươn lên từ núi rừng

09/06/2012 07:41 GMT+7
(Dân Việt) - Xuất thân từ mảnh đất Cao Bằng xa xôi, giờ đây cô gái người Tày Lê Thị Thanh ngày nào đã trở thành Giám đốc của một công ty chuyên cung cấp thực phẩm lớn từ Cao Bằng xuống Hà Nội.

Ước mơ làm giàu ấp ủ suốt 30 năm

Sinh năm 1964 trong một gia đình thuần nông có 5 anh chị em, tuổi thơ của chị Thanh gắn liền với những buổi chăn bò trên các triền đồi, dốc núi. Cuộc sống của cô gái dân tộc ở vùng cao cũng giống như bao đứa trẻ khác, nhưng ở chị Thanh lại có nghị lực và tính tự lập cao ngay từ khi còn nhỏ.

Tranh thủ những ngày nghỉ hè, chị Thanh thường giúp bố, mẹ nuôi lợn, gà, chăn trâu, bò… để tự túc một phần chi phí cho học hành.

img
Bà Thanh trao đổi với các đối tác về kinh nghiệm sản xuất, chế biến thịt bò.

“Chăn bò vất vả là thế, nhưng tôi thấy bố mẹ bán con bò cũng được chẳng đáng bao tiền. Ngay từ những ngày còn nhỏ ấy, tôi đã có ý nghĩ sau này phải làm gì đó làm tăng giá trị cho con bò của quê hương mình” - chị Thanh tâm sự. Ý tưởng xuất phát ngay từ những ngày còn con nít ấy, phải hơn 30 năm sau chị Thanh mới biến nó trở thành hiện thực.

Tốt nghiệp THPT, chị Thanh theo học ở Trường Trung cấp Tài chính của tỉnh, sau đó xin vào làm việc tại Sở Tài chính Cao Bằng. Với một cô gái dân tộc, xuất thân ở vùng quê nghèo lại có được công việc ổn định ở cơ quan nhà nước đó là niềm mơ ước của nhiều người. Tuy nhiên, đồng lương công chức eo hẹp không đủ giữ chân người có hoài bão lớn, nên chị đã quyết định xin nghỉ để về kinh doanh tại gia đình.

Năm 1988, Lê Thị Thanh khởi nghiệp trong lĩnh vực xây dựng với gia tài lớn nhất là một chiếc xe đạp. Khi đó, nhu cầu xây dựng ở Cao Bằng cũng bắt đầu tăng lên do các Dự án 134, 135 đầu tư ở các xã nghèo trên địa bàn. Từ nhóm xây dựng nhận thầu các hạng mục nhỏ, Giám đốc trẻ Lê Thị Thanh đã tích lũy dần để mua được ô tô chở vật liệu xây dựng và đầu tư được cả các thiết bị xây dựng hiện đại đủ năng lực để nhận các gói thầu xây dựng cơ bản cho các công trình điện, đường, trường, trạm…

Chuyển hướng kinh doanh

Khi chúng tôi hỏi vì sao đang kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng lại có quyết định chuyển hướng sang kinh doanh thực phẩm, Giám đốc Lê Thị Thanh cho biết: “Những năm gần đây, do cắt giảm đầu tư công, các công trình xây dựng giảm, nên tôi đã quyết định chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp và đầu tư giết, mổ, chế biến gia súc. Bởi dù kinh tế khó khăn, nhưng người dân vẫn phải tiêu dùng thực phẩm, hơn nữa nguồn trâu, bò ở đây khá dồi dào, giá lại rẻ”.

Theo bà Thanh, khó khăn lớn nhất hiện nay là lãi suất ngân hàng vẫn còn rất cao, vốn lưu động của đơn vị lại ít nên chưa đủ khả năng mở rộng sản xuất, kinh doanh. “Dù có uy tín, nhưng khi mua bò của bà con phải có “tiền tươi, thóc thật”, nên nhiều khi tôi phải vay “nóng” với lãi suất cao để hoạt động. Hiện các siêu thị, nhà hàng đã đặt hàng công ty tôi với số lượng lớn. Có những dịp lễ tết, cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thịt tăng cao, có khi công ty không đủ đáp ứng cho nhu cầu của bạn hàng” - bà Thanh chia sẻ.

Mong muốn lớn nhất của bà Thanh hiện nay là, có sự phối hợp với chính quyền và Hội Nông dân để giúp các hộ dân mở rộng sản xuất bò thịt. Ngay cả những hộ nông dân hiện cũng có mong muốn được vay vốn với lãi suất thấp để mở rộng chăn nuôi bò, nhưng tiếp cận nguồn vốn vẫn còn rất nhiều khó khăn.

“Lĩnh vực nông nghiệp, nhất là liên quan đến vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm là lĩnh vực hoàn toàn mới mà tôi chưa hề có kinh nghiệm nên khi bắt tay vào công việc này cũng có rất nhiều bỡ ngỡ. Cũng may, nhờ có sự giúp đỡ của các nhà khoa học, các cơ quản quản lý nhà nước, nên bước đầu tôi đã có thể làm quen được với thị trường” - bà Thanh cho biết.

Nói về những thành công, bà Thanh cho rằng dù cũng cảm thấy tự hào và cũng có rất nhiều các giải thưởng “mời”, nhưng chưa bao giờ bà tham gia. Quan điểm của bà Thanh là “hữu xạ tự nhiên hương”, những việc làm của bà hãy để người khác đánh giá.

Tháng 10.2011, Công ty Lê Thanh đã xây dựng thành công thương hiệu bò Mông. Trung bình, mỗi tháng công ty xuất ra thị trường khoảng 7 tấn thịt bò với doanh thu khoảng 300 triệu đồng. Tính đến hết tháng 4.2012, đã có hơn 300 con bò Mông với 21,4 tấn thịt của Công ty Lê Thanh được đưa vào hệ thống siêu thị ở Hà Nội như BigC, Rural Food và nhiều nhà hàng, khách sạn...

Từ việc chuyển đổi thành công lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, Công ty Lê Thanh hiện đã đứng vững trên thị trường, sản phẩm thịt bò Mông đã tăng dần chuỗi giá trị do có nhiều người yêu thích. Không chỉ làm giàu cho bản thân, Giám đốc Lê Thị Thanh còn giúp đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa tăng thêm giá trị của bò Mông từ 15 - 20%.

Chia sẻ với chúng tôi, là Lê Thanh cho biết: “Nhìn lại những chặng đường đã qua, tôi cũng không nghĩ mình có thể vượt qua được những khó khăn nhiều như thế. Bên cạnh những giúp đỡ tận tình của bạn bè, những chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, chồng và con tôi đã động viên, tiếp sức cho tôi tự tin để thực hiện hoài bão của mình”.