Dân Việt

Cần giám sát đặc biệt các tập đoàn

09/06/2012 07:15 GMT+7
(Dân Việt) - Hôm qua, 8.6, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đặt ra cả trăm câu hỏi xung quanh đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Không phải vì các đại biểu chưa đọc kỹ, mà thực tế là xung quanh đề án còn quá nhiều vấn đề phải mổ xẻ.

Quá chi tiết thì không gọi là tổng thế nữa...

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đặt vấn đề: “Dự án này do ai làm, làm cho ai, làm vì ai khi sự hướng tới người dân là không rõ”. Ông đề nghị: “Cần có mục tiêu cụ thể là cải thiện thu nhập người lao động và đời sống người dân để người dân hiểu đề án, để cho họ được lợi, chứ không phải chỉ một nhóm người được lợi”.

img
Đại biểu Quốc hội đề nghị sớm sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế. Ảnh: Công nhân thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản VN khai thác than ở Quảng Ninh.

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM tung ra hơn hai chục câu hỏi “như thế nào”, “ra sao”. Chẳng hạn vấn đề phân bổ nguồn lực nhà nước và nguồn lực xã hội như thế nào? Mô hình tăng trưởng ra sao để tăng năng lực cạnh tranh cốt lõi gồm của cả quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp.  Bản thân những vấn đề tưởng không thể thiếu như chỉ tiêu đo lường hiệu quả của quá trình tái cơ cấu cũng bị đặt câu hỏi, rồi các vấn đề tỷ lệ phần trăm đầu tư công trong GDP, chỉ tiêu phân bổ, chỉ tiêu kênh huy động của thị trường tài chính...

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) thì đề nghị Chính phủ cần phân tích dự báo sâu hơn về tác động đến kinh tế - xã hội ở từng giai đoạn cụ thể. Rồi đề nghị làm rõ tính khả thi khi doanh nghiệp - thành phần chủ yếu của tái cơ cấu đang kiệt sức. Rồi đề án vận hành như thế nào khi nguồn lực tài nguyên đang cạn kiệt?

Với một đề án mà cả 3 vấn đề cốt lõi là huy động và phân bổ nguồn lực, chỉ tiêu đánh giá và cả nguồn lực, thực ra là tiền - cho quá trình tái cơ cấu (là bao nhiêu và bao nhiêu từ ngân sách Nhà nước) vẫn thể hiện để phải đặt dấu hỏi, thì rõ ràng, còn quá nhiều vấn đề chưa rõ ràng.

Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh - người thay mặt Chính phủ trình đề án phát biểu rất dài nhưng cuối cùng ông mong QH thông cảm vì “nếu đề án quá chi tiết thì đề án không gọi là tổng thế nữa”.

Nên tập trung xử lý “điểm nghẽn”

Có khoảng hơn 10 ĐB phát biểu tại nghị trường cho rằng đây là “một đề án chủ trương chung”, hoặc “chỉ là lý thuyết”. ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, nếu QH thông qua Đề án mà chưa rõ đề án thành phần thì không ổn. Ông đề nghị Chính phủ cần phân tích dự báo sâu hơn về tác động của Đề án đến kinh tế - xã hội ở từng giai đoạn cụ thể. Bởi doanh nghiệp đang kiệt sức, nguồn lực tài nguyên đang cạn kiệt và bản thân nguồn nhân lực cũng đang rất có vấn đề.

ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đưa ra đề nghị Đề án cần được bàn và quyết với những con số cụ thể mà quan trọng nhất là phải “xác định nguồn lực cần có”. Ông Phương nhắc đi nhắc lại rằng “tái cơ cấu không phải là gói cứu trợ” và đưa ra cảnh báo cần phân định khu vực tái cơ cấu, chỉ tập trung vào điểm nghẽn chứ nếu không sẽ sinh ra tình trạng “nhà nhà, người người, ngành ngành đều tái cơ cấu” kiểu phong trào.

ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cũng cho rằng: Tái cơ cấu bản chất là việc phân bổ lại nguồn lực. Ông nhấn mạnh đến con số 16.000 tỷ mà các tập đoàn, tổng công ty đầu tư ra ngoài ngành và cho rằng: Điều quan trọng nhất là cần sơ kết lại mô hình tập đoàn kinh tế, cần lộ trình thoái vốn cụ thể khỏi các lĩnh vực chính và làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước liên quan đến sai phạm xử lý và sử dụng vốn nhà nước.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Ngân hàng NNPTNT sẽ thành một trụ cột

Về tái cấu trúc nông nghiệp, Đề án không đặt vấn đề cổ phần hóa Ngân hàng NNPTNT trong ít nhất 5 năm nữa, mà biến nó trở thành một trụ cột với không dưới 80% dư nợ vay nông nghiệp. Ngoài ra, sẽ đưa khoa học vào nông nghiệp để cải thiện năng suất lao động.

ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đã có một bài phát biểu rất hấp dẫn người nghe. Theo bà, thực tế đổ vỡ của một số tập đoàn cho thấy thể chế pháp lý cho các tập đoàn có thể tạo cơ hội cho sai phạm của họ. 12 tập đoàn đều ở diện thí điểm, nhưng ngay từ đầu, chúng ta đã thí điểm quá rộng, trên những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế.

Thậm chí tại thời điểm Vinashin đổ vỡ, trong khi chưa tổng kết mô hình thì lại tiếp tục thành lập mới 4 tập đoàn. Và năm 2009, khi mô hình tập đoàn thành lập được 5 năm, Chính phủ mới có nghị định thí điểm thành lập.

Theo bà Nga, việc thiếu tiêu chí đánh giá hiệu quả của các tập đoàn cũng khiến chưa đánh giá đúng hiệu quả với những lợi thế về tài nguyên, nguồn lực và sự độc quyền mà các tập đoàn này được hưởng, trong khi nhiệm vụ an sinh dễ tạo cớ biện minh cho các yếu kém.

Bà Nga đề nghị trước mắt “tạm dừng ngay thành lập mới các tập đoàn, đánh giá lại hiệu quả, kiểm tra lại toàn bộ vốn, tài sản. Tổng kết đánh giá đúng những cái được, chưa được” và đặc biệt là “đề nghị đặt các tập đoàn dưới sự giám sát đặc biệt của QH”.