... Mà sự quy chụp ấy, tôi đoán vẫn còn mai phục đâu đó, bất kỳ lúc nào cũng có thể nhảy xổ ra vồ mấy ông lỡ chọn cái nghề “bút sa gà chết”.
Tiếp tục loạt bài về việc quy chụp tư tưởng văn học, xin mời bạn đọc theo dõi ý kiến của các nhà văn, nhà phê bình: Trần Đức Tiến, Tô Hoàng, Trần Thế Vinh, Nguyễn Thuý Ái, Văn Công Hùng, Nguyễn Đức Thiện, Đào Đức Tuấn.
Nhà văn Trần Đức Tiến (Bà Rịa- Vũng Tàu):
Hậu quả của việc “chụp mũ” văn chương, nặng thì có thể làm sụp đổ hoàn toàn cuộc sống, sự nghiệp của một con người. Nhẹ hơn thì gây cho tác giả hoang mang, khiếp hãi, nhụt chí. Và nói chung ảnh hưởng xấu không chỉ đối với cá nhân tác giả, mà còn với cả nhiều người cầm bút khác, thậm chí với cả một thế hệ cầm bút.
Cách đây gần hai chục năm, vì một sự “tấn công” tinh thần thiếu sòng phẳng như vậy, chính tôi cũng phải lặng lẽ từ bỏ nơi mình trú ngụ, sơ tán đến nơi khác một thời gian, để tránh khả năng nhãn tiền là… ăn gậy và ăn củ đậu bay! Và cho đến tận hôm nay, tôi vẫn còn cất kỹ cái truyện ngắn đã từng gây ra nông nỗi ấy.
Tất nhiên, nói vậy thì nói, chứ với những nhà văn có tư cách và bản lĩnh, thì họ vẫn viết trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Điều đáng sợ nhất với người cầm bút, không phải là lúc sống anh ta bị hắt hủi, vùi dập ra sao; mà chính là lúc nhắm mắt xuôi tay, trong hộc bàn anh ta chỉ thấy xác mấy con gián chết khô thay cho những trang bản thảo…
Thú thật tôi không lạc quan lắm với việc nhà văn tìm cách tự bảo vệ, hoặc trông đợi vào sự bảo vệ của những người có trách nhiệm. Nghe lý lẽ của những ông khoái quy chụp từ xưa đến nay, chưa bao giờ tôi hiểu các ông ấy muốn gì? Đơn giản là “kênh” khác nhau thì sẽ rất, rất khó nói chuyện phải quấy với nhau. Mà sự quy chụp ấy, tôi đoán vẫn còn mai phục đâu đó, bất kỳ lúc nào cũng có thể nhảy xổ ra vồ mấy ông lỡ chọn cái nghề “bút sa gà chết”.
Nguyên nhân sâu xa vẫn là cái mặt bằng trình độ văn hóa nói chung của chúng ta hiện nay còn lổn nhổn quá, “kênh” khác nhau xa quá.
Nhà văn - Nhà phê bình Tô Hoàng (TP.HCM):
Không có gì đáng ngạc nhiên cả! Những kiểu quy chụp văn chương như vậy đã, đang và sẽ còn tồn tại. Có những người không chịu đọc gì, không biết nhiều xem xét, nhìn nhận, đánh giá đã biến đổi ra sao; càng không phân biệt nổi sự khác biệt giữa cảm thụ văn chương khác với những đánh giá, nhận xét thông thường… Chúng ta có thể bỏ qua sự quy chụp của những người này. Đáng vạch mặt, chỉ tên những kẻ quy chụp, lên giọng đao to búa lớn vì đồng lương đang lĩnh, chiếc ghế đang ngồi hoặc âm mưu vu vạ để giành lấy chức quyền của người bị phê phán. Hãy vạch mặt chỉ tên, khu biệt lũ người hèn hạ này ra!
Người viết bây giờ không yếu bóng vía đâu! Họ đủ bản lĩnh, sự vững vàng, tự tin để lót những ý kiến quy chụp xuống ghế ngồi. Chỉ trái tim và lương tri người viết mới có quyền phán xét những gì họ viết ra!
Nhà thơ Trần Thế Vinh (An Giang):
Tôi có đọc và đăng tải lại truyện Bóng anh hùng của Doãn Dũng trên blog vanangiang vào tháng 5.2012, lúc tôi cùng Doãn Dũng ra về sau khi dự trại sáng tác văn học ở Sao Việt (Tuy Hoà - Phú Yên) do tạp chí Văn Nghệ Quân Đội tổ chức. Rất sung sướng ở An Giang bạn đọc hoan hô truyện ngắn này chứ không ai "bắt bẻ" điều gì.
Tôi chỉ nói là tôi đồng tình với chị Nguyễn Thế Thanh rằng: "Một lời trách về cách đọc không xuất phát từ văn chương của những bạn đọc nào đó". Còn trên diễn đàn văn học hiện nay, tôi nghĩ còn người “có vấn đề” về cách đọc mới quy chụp văn chương kiểu ấy, và như thế mới “có vấn đề” cho các nhà văn làm tư liệu sáng tác.
Còn việc các cụ hưu trí “chụp mũ” tư tưởng tác phẩm của các nhà văn và cơ quan báo chí như ở Phú Yên, tôi nghĩ Hội VHNT địa phương và các nhà văn chúng ta nên lên tiếng mạnh mẽ, để không còn trường hợp như trước đây lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã quy chụp tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư.
Nhà thơ Văn Công Hùng (Gia Lai):
Bạn văn và báo ở Phú Yên đang khốn nạn khốn khổ với mấy bác hưu trí nhưng nguyên là lãnh đạo tỉnh. Các bác ấy chứng minh sở học của mình bằng cách lâu lâu phát hiện trong mấy tờ báo của tỉnh lại có bài này bài kia, truyện này truyện kia, bài thơ này bài thơ kia... là... phản động. Ai nói cũng không nghe, chỉ các bác ấy là đúng...
Truyện ngắn Bóng anh hùng của Doãn Dũng đã in tứ tung ở báo Văn Nghệ, ở báo Người đại biểu nhân dân, báo Tuổi Trẻ, ở sách của tác giả, nhưng khi báo Phú Yên đăng thì sinh chuyện. Cũng như thế, trước đó có mấy vụ nữa, cũng mấy bác thông thái này "phát hiện" ra và quy kết om sòm. Đáng lưu ý là, ngay cả sau khi có sự nhập cuộc thẩm định của Hội Nhà văn Việt Nam, báo Văn Nghệ, Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương, Vụ Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương... rằng các tác phẩm ấy không "nguy hại", không "phản động" như quy kết của các bác ấy thì các bác ấy vẫn nằng nặc bắt nó phải nguy hại, phải phản động, nếu không nguy hại, không phải động thì sẽ không yên với các bác ấy. Các bác ấy sẽ làm cho ăn không ngon ngủ không yên... Tỉnh ủy Phú Yên rất khó xử. Một bên là chân lý với các cơ quan chuyên môn, một bên là mấy bác… thông thái biết tuốt này!
Rất nhiều người không tin điều ấy đã xảy ra, ngay bây giờ, năm thứ mười mấy của thế kỷ 21, thế mà nó vẫn xảy ra và đang xảy ra, kéo dài, dai dẳng. Tôi hiểu tâm trạng của các đồng nghiệp ở Phú Yên, thấy ông tổng biên tập báo Phú Yên già hẳn đi khi phải theo hầu những vụ kiện vớ vẩn như thế...
Cũng có thể, bằng cách này, các bác thông thái kia muốn chứng tỏ quyền lực của mình, dù đã về hưu. Cũng có thể các bác ấy chứng tỏ dẫu về hưu nhưng mình vẫn rất "thông thái"...
Tôi đã từng bị nhiều vụ chụp mũ như thế, nhưng là từ thế kỷ trước, trong đó có một vụ cũng khá lớn. Bác nọ cũng về hưu, cũng hàm từng rất lớn, cũng muốn chứng tỏ mình thông thái. Nhưng Tỉnh uỷ Gia Lai hồi ấy cũng oách, cho tất cả đơn từ kiện cáo vào... sọt, dù bác này cấp tập mỗi tuần 1 đơn (Mỗi đơn in hàng ngàn bản, gửi khắp nơi nữa, vận động thêm được mấy ông hưu trí "thông thái" nữa, cùng nhau phát tán...). Sau gửi ra tận Hà Nội, tận UVBCT NKĐ. Không ai trả lời thế là bác ấy... lấy vợ mới sau khi vợ cũ mới mất một thời gian rất ngắn, vui thú điền viên đến giờ...
Nhà văn Nguyễn Đức Thiện (Tây Ninh):
Việt Nam đã có quá nhiều bài học về cách nhìn, cách đánh giá tác phẩm văn học và tác giả theo lối nghĩ chủ quan, duy ý chí. Những người có quyền buộc nhà văn phải chịu theo cách nghĩ của họ và khi họ bảo tác phẩm nào sai thì tác giả ấy cũng phải sai. Với cách đánh giá như vậy không ít nhà văn đã phải chịu đựng sự ứng xử bất công. Có người phải đi lao động cải tạo và có người dừng công việc sáng tạo của mình trong một thời gian dài.
Không nhắc đến tên họ, vì như thế chúng ta lại xúc phạm đến người ta thêm một lần nữa. Những người có trách nhiệm rất cần phải có động tác làm rõ việc này. Cái gì sai lầm trong quá khứ cần phải làm rõ. Không nên ỡm ờ để bây giờ, trước sự biến đổi của xã hội, đương nhiên là có sự biến đổi theo hướng tích cự của những người sáng tác văn học vẫn có những người nhân danh cấp này, cấp kia, dùng những tư tưởng, cách nhìn đã lỗi thời mà áp đặt lên những tác giả, tác phẩm văn học đương thời.
Những tác giả có bản lĩnh thì chẳng đáng ngại, nhưng điều đáng ngại là đối với những người hiện nay đang chuẩn bị hoặc bắt đầu vào cuộc lao động sáng tạo. Họ nhìn gương những tác giả bị quy chụp mà lo. Họ lo bị búa rìu bởi những chuyện: tư tưởng có vấn đề, là ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo... Từ đó họ tự khép mình lại, làm cho tác phẩm của mình "ngoan ngoãn" đi.
Và thế là trí sáng tạo bị tiêu diệt từ rất sớm. Họ sẽ cho ra đời những sáng tác thiếu tính người, mà con người ở đó như những cái máy, nghĩ như nhau, hành động như nhau. Và đương nhiên, chúng ta sẽ chỉ có một nền văn học như từng có: đó là sự minh hoạ.
Với cách nhìn quy chụp như lãnh đạo (một số, trong đó có những vị lãnh đạo đã hưu trí) thì trước hết như chúng ta thấy, ở ngay Phú Yên đã có những người liên quan đến công việc sáng tác văn học hoang mang. Sự hoang mang này không chỉ ảnh hưởng đến môt hai người có trách nhiệm mà còn ảnh hưởng đến cả một đội ngũ lao đậng sáng tạo ở địa phương này.
Với cách đánh giá một tác phẩm, (mà tác phẩm ấy đã được những người có trách nhiệm như (Tổng biên tập báo Văn Nghệ có ý kiến là không có vấn đề gì) và quy chụp cho đó là một tác phẩm độc hại, thì chính đánh giá như vậy mới là độc hại. Họ đang muốn làm cho thui chột sự sáng tạo của anh chị em văn nghệ sĩ ở đây. Chúng ta hỏi họ: Họ quy chụp như vậy sẽ có lợi gì cho hoạt động văn học nghệ thuật ở Phú Yên?
Chức năng của nhà văn là lao động sáng tạo, họ cứ tiếp tục lao động sáng tạo theo đúng bản lãnh của họ. Họ tiếp tục viết về những gì mà họ yêu nhất, ghét nhất, thương nhất, căm thù nhất... Họ tiếp tục theo đến cùng những thân phận con người và đưa những thân phận ấy lên trang viết của mình. Họ đừng nghĩ đến sự ứng phó, vì nếu ứng phó thì bản thân họ sẽ tiêu diệt cảm xúc của mình khi cầm bút. Như vậy cũng là đối phó đấy...
Cái chúng ta cần làm có hai việc:
Việc thứ nhất là tổ chức tốt những cuộc hội thảo (bàn tròn như thế này là một ví dụ). Tức là, chúng ta phải tạo ra dư luận, trong đó có ý kiến của các nhà văn, của độc giả, của những người yêu mến văn chương, từ đó chúng ta sẽ bảo vệ được chúng ta.
Từ những cuộc hội thảo, những bàn tròn, chúng ta sẽ chỉ ra cách nhìn thiển cận, cũ kỹ của một lớp người. Lớp người ấy đã từng làm trì trệ lao động sáng tạo của văn nghệ sĩ một thời gian khá dài. Dư luận rất quan trọng. Chính dư luận có thể cải tạo được tư tưởng của những người bảo thủ. Và cũng chính dư luận chúng ta sẽ giúp nhau yên tâm sáng tác hơn.
Việc thứ hai, chúng ta có những công cụ, trong đó có những tờ báo chuyên ngành. Chúng ta cần phát huy sức mạnh của những tờ báo đó giúp cho những người bị quy chụp có thể nói lên tiếng noi của mình, đồng thời "đồng thanh tương ứng" mọi người cùng lên tiếng đấu tranh. Chúng ta sẽ bảo vệ được nhau.
Hơn nữa, chúng ta đã có một Hội đồng Lý luận phê bình cấp quốc gia, tập trung những người có tài, có sức và trình độ lý luận sắc bén. Khi xảy ra những việc như thế này, thì Hội đồng LLPB phải lên tiếng. Lên tiếng bằng học thuật hẳn hoi, phân tích cái hay, cái đúng của tác phẩm, lối nhìn thiển cận, cũ kỹ của một số người để họ "tâm phục, khẩu phục". Không chỉ có ý kiến chung chung: "Tác phẩm không có gì". Như vậy thì khó mà bảo vệ được tác giả.
Chúng ta còn có Hội Nhà văn, và đương nhiên HNV không thể đứng ngoài cuộc khi một tác phẩm văn học bị đánh giá sai được. Chúng ta đã từng thấy cuộc đấu tranh đẻ bảo vệ Cánh đồng bất tận, Lời cây dầu cổ thụ… và bây giờ đến Bóng anh hùng. Tất nhiên, Phú Yên không thể buộc một tác giả ở Hà Nội vào chịu trận ở đây, nhưng chúng ta sẽ bảo vệ được báo Phú Yên, những người làm công tác biên tập. Có nghĩa là chúng ta có đủ nội lực để có thể đối phó với "nạn quy chụp văn chương" đang xuất hiện hiện nay.
Nhà thơ Đào Đức Tuấn (Phú Yên):
Là một người đã trên bốn mươi năm sống và sáng tác tại Phú Yên, chưa bao giờ tôi buồn như lúc này. Không dưới một lần, tôi “xách gói ra đi” nhưng chả hiểu vì sao tôi vẫn ở lại đất này. Bạn tôi bỏ đi hết rồi, vì sao tôi ở lại? Tôi yếu mềm, tôi gan góc, tôi cố chấp,…? Cuộc đời tôi tự trả lời.
Đọc loạt bài “chụp mũ văn chương” trên báo Tuổi Trẻ, Dân Việt, Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh,… mấy ngày qua, tôi càng thấm hơn thân phận của một người làm sáng tạo nghệ thuật, bởi “văn chương… vô bằng cứ”. Nhưng xin thưa, bất kỳ thứ gì ở cuộc đời này đều có bằng cứ. Đừng nhân danh “điều này điều nọ” để hạ bệ, triệt tiêu sáng tạo!
Càng căm giận hơn khi biết rằng đã có những ai đó đã lợi dụng văn chương vào mục đích bất nghĩa. Thế nên tôi chỉ biết tâm đắc với ý kiến của hai ông bạn thi sĩ là Phan Hoàng và Nguyễn Thanh Mừng, rằng “Khi con người lợi dụng văn học vào mục đích ti tiện nào đó cũng là lúc cái đẹp cái thiện đang biến mất khỏi tâm hồn họ” và “Tôi chỉ mong những tài năng đừng bị làm tình làm tội vì bất cứ nhân danh gì” (Dân Việt).
Nói gì thì nói, có quả cảm đến đâu, tôi vẫn đặt ra câu hỏi cho chính mình: Tại sao thân phận một nghệ sĩ Việt lại dễ bị “ăn hiếp, vùi dập” như vậy”?! Chân lý ở đâu, cái đẹp ở đâu trong cuộc đời này? Vì sao, chỉ một vài cụ hưu trí ở một tỉnh cũng có thể làm điêu đứng cả nền văn nghệ?
“Tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồn”. Xin nhớ câu thơ của một người đi trước để tự cám cảnh mình về một lối… nhân danh để sử dụng văn chương nghệ thuật làm bia đỡ đạn!
(Còn tiếp)
Phan Phú Yên