Từ 4 tỉnh ban đầu áp dụng kỹ thuật sản xuất khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu (năm 2009), đến vụ đông xuân năm 2011 – 2012 vừa qua, đã có 20 tỉnh, thành phố triển khai ứng dụng kỹ thuật này (Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Yên Bái, Điện Biên, Lào Cai, Nghệ An…). Tổng diện tích áp dụng kỹ thuật trồng khoai tây mới đạt gần 430ha, trong đó Hà Nội có 170ha và Thái Bình có 130ha. Hiệu quả của chương trình này thấy rõ ở một số mặt sau:
Về sinh trưởng: Trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu, tốc độ phát triển của cây nhanh hơn 5 - 7 ngày. Chiều cao cây cao hơn từ 2,7-8,6cm so với biện pháp truyền thống.
Về dịch hại: Nhìn chung, trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu dịch hại thấp hơn so với phương pháp truyền thống. Cụ thể: Bệnh héo xanh do vi khuẩn ở biện pháp làm đất tối thiểu thấp hơn biện pháp trồng truyền thống; mật độ sâu khoang, bệnh sương mai tỷ lệ bệnh thấp hơn biện pháp trồng truyền thống.
Về thiên địch: Ở phương pháp làm đất tối thiểu có số lượng thiên địch cao hơn so với phương pháp truyền thống do có lớp phủ rơm rạ là môi trường thuận lợi cho thiên địch phát triển.
Tiết kiệm công lao động: Trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu tiết kiệm được công lao động từ 28 - 47%, tương đương với 4,2- 12,6 triệu đồng/ha, trong đó chủ yếu giảm công làm đất và công thu hoạch.
Năng suất và hiệu quả kinh tế: Phương pháp làm đất tối thiểu đem lại năng suất khoai tây cao hơn so với phương pháp truyền thống từ 8,27 - 24,93 %. Hiệu quả kinh tế cao hơn từ 10-20 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, kỹ thuật mới này cũng góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường (tận dụng được nguồn rơm, không đốt bỏ như trước) và không làm hại đất.
Từ những kết quả tích cực trên đây, Cục BVTV đã khẳng định đây là một phương pháp trồng khoai tây mới, có hiệu quả vượt trội và khuyến khích các địa phương tăng cường tuyên truyền, tập huấn, xây dựng chính sách hỗ trợ để tăng diện tích ứng dụng trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu trong thời gian tới; khuyến cáo Nhà nước tăng cường đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư hệ thống kho lạnh ở các địa phương để chủ động nguồn giống khoai tây. Cục BVTV cũng hy vọng các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ mở rộng diện tích ứng dụng trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu thông qua việc xây dựng các mô hình nông dân nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật mới này.
“Làm chơi, ăn thật”
“Sau khi được tập huấn từ vụ đông năm 2011, tôi bắt đầu trồng khoai tây theo kỹ thuật làm đất tối thiểu. Kiểu làm này cứ như làm chơi, chỉ đánh luống rồi xỏa đất sơ sơ là xong, nhưng tính ra tiết kiệm đến 3-4 công làm đất cho 1 sào, mà thu về gần 1 tấn củ, cao hơn so với cách làm đất theo phương pháp cũ, vốn chỉ đạt khoảng 8 tạ/sào”.
Chị Lê Thị Mơ – Chi hội trưởng Hội Phụ nữ xóm Vườn Rẫy (Đồng Tiến, Phổ Yên, Thái Nguyên)
Nhiều ưu điểm
“Trồng khoai tây theo phương pháp này, năng suất cao hơn hẳn cách trồng theo kiểu cũ. Khoai rất ít sâu bệnh, thu hoạch rất nhanh. Củ ra tập trung ở gần gốc, củ đều, mắt củ nông, dễ gọt, nhìn đẹp và dễ bán hơn. Còn trồng theo phương pháp cũ, củ khoai ở rất xa gốc, củ không đều, mắt củ sâu hơn...”.
Chị Lương Thu Huyền (xóm Đồng Phương, xã Đồng Thịnh, Định Hóa, Thái Nguyên).
Kim Uyên