Dân Việt

Kiểm soát chặt việc thu hồi đất

18/04/2013 07:00 GMT+7
(Dân Việt) - Nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị như vậy ngày 17.4, khi thảo luận về bản tiếp thu lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

 Không sở hữu tư nhân về đất đai

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh Quang đã trình bày bản tiếp thu lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Về ý kiến đề nghị quy định đa sở hữu về đất đai, trong đó có sở hữu tư nhân về đất ở, Bộ trưởng Quang giải trình cụ thể: Sở hữu đất đai ở nước ta là vấn đề hệ trọng, có liên quan đến lịch sử, sự ổn định chính trị - xã hội.

img
Theo ông Nguyễn Văn Hiện, ngoài giá đền bù, người dân phải có thêm lợi ích phát sinh từ đất (ảnh minh họa).

Việc thực hiện sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu nhằm bảo đảm cho Nhà nước chủ động trong khai thác, sử dụng tài nguyên đất đai phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; người sử dụng đất được giao các quyền sử dụng đất và được Nhà nước bảo đảm việc thực hiện các quyền này, đồng thời có trách nhiệm thực hiện đúng các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai. Quy định như dự thảo luật là phù hợp với định hướng đổi mới chính sách, pháp luật đất đai đã được nêu trong Nghị quyết số 19 của Hội nghị 6 BCH T.Ư khóa XI.

Cơ quan thẩm tra là Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng đồng tình khi cho rằng: Chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai đã được quy định tại Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992. Đất đai là thành quả do công sức khai phá, bồi bổ của các thế hệ người Việt Nam, thành quả cách mạng của nhân dân ta. Việc tiếp tục quy định sở hữu toàn dân đối với đất đai nhằm đảm bảo ổn định trong quản lý và sử dụng đất đai, ổn định xã hội. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Kết luận Hội nghị lần thứ 5 và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của BCH T.Ư khóa XI, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và đa số ý kiến nhân dân khẳng định chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị giữ quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Kiểm soát chặt thu hồi đất

Về ý kiến đề nghị Nhà nước không thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển KT- XH, Chính phủ cho rằng: Sau 3 tháng lấy ý kiến nhân dân, ban soạn thảo đã tiếp thu và bỏ quy định thu hồi đất các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, thảo luận ngày 17.4, nhiều ý kiến lại cho rằng, không thể bỏ vấn đề trên, vì thực tế, nhiều dự án phát triển KT- XH nhưng không đem lại lợi ích cho cá nhân, lợi ích doanh nghiệp mà phục vụ cho lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng... Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu và chỉnh lý vào dự thảo luật theo hướng rà soát để chuyển các dự án phát triển KT - XH mà trong đó có lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng vào nhóm các dự án được Nhà nước thu hồi vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. “Để kiểm soát chặt chẽ việc thu hồi đất, các dự án này cần phải được Quốc hội, Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, HĐND cấp tỉnh thông qua” - Bộ trưởng TNMT cho biết thêm.

Có nhiều ý kiến đề nghị sử dụng khái niệm “trưng mua” đất đai thay cho “thu hồi đất” vì quyền sử dụng đất là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ và bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp về trưng mua, trưng dụng. Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng: “Luật trưng mua, trưng dụng tài sản (Điều 13) quy định Nhà nước trưng mua nhà và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về tình trạng khẩn cấp. Do đó, không thể dùng khái niệm “trưng mua” thay “thu hồi đất”.

Phải tính lại giá đền bù

“Tôi tán thành với việc kiểm soát chặt quyền sử dụng đất lúa, rừng phòng hộ, nhưng nếu dự thảo luật vẫn để giao cho Chính phủ thì tôi thấy không ổn. Tôi thấy cần phải quy định lại, như thế nào thì Quốc hội quyết, như thế nào là Chính phủ quyết. Phải quy định rõ thẩm quyền của Quốc hội đến đâu, của Chính phủ đến đâu”.

Góp ý cho bản thu thập ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: Rõ ràng, sau khi lấy ý kiến nhân dân, bản dự thảo đã tốt hơn nhiều. Cụ thể, bản dự thảo tiếp thu đã bỏ đi phần “thu hồi đất cho dự án KT- XH”. Như vậy thì dự án KT- XH loại nào sẽ chuyển vào lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia, lợi ích an ninh quốc phòng... “Bỏ hẳn mà không nói rõ thì chưa ổn” - Chủ tịch nhấn mạnh và nói tiếp: “Nếu quy định không rõ thì không rõ loại đất đó thuộc an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hay dự án phát triển KT- XH... Rồi nếu không thỏa thuận được giữa nhà đầu tư và người dân thì Nhà nước có can thiệp cưỡng chế không? Giá trưng mua thế nào, giá thu hồi thế nào, giá thỏa thuận ra sao? Nếu chưa làm rõ thì chưa khả thi đâu”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận định: Giá bồi thường đất là một trong những vấn đề làm nảy sinh nhiều khiếu kiện nhất. Nhưng dự thảo luật hiện nay về cơ bản không có gì khác với quy định hiện hành. Thực tế, đất nông nghiệp nếu ở trung du, rừng núi thì vài mét mới được một bát phở. Người dân không cần cái giá đó, họ chỉ cần đất để sản xuất để mưu sinh. Do đó, chúng ta phải tính toán lại, ngoài giá đền bù thì họ phải có thêm những lợi ích phát sinh từ đất.