Trước đó, Ban soạn thảo sửa đổi Nghị định 84 đề xuất, khi các yếu tố cấu thành giá biến động trong khoảng 5%, DN xăng dầu được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng. Tuy nhiên tại hội thảo hôm nay, các DN lại kiến nghị, mức biến động giá cơ sở so với giá bán lẻ chỉ cần 3%, DN đã được quyền tăng giá.
Ảnh minh họa |
Ông Bùi Ngọc Bảo-Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex, cho biết: "Điều khoản quy định về giá trong tất cả các văn bản pháp luật về kinh doanh xăng dầu từ trước đến nay chưa bao giờ được thực hiện đúng dù 3 năm bình quân chúng ta sửa đổi Nghị định một lần".
Ông Bảo cho rằng, sửa mà không thực hiện thì Nghị định 84 sửa đổi lần này sẽ lại tiếp tục sửa. "Tôi thấy môi trường pháp lý cho kinh doanh xăng dầu đang thực hiện chỗ nào cũng đúng cả?! Câu này bao trùm câu kia "rất giỏi", Nghị định làm ra "tròn trịa" đến độ DN ở dưới "không thực hiện nổi!".
Theo ông Bảo, cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện nay đã khiến cho chúng ta "mất mát" quá nhiều. Cho đến nay các khoản lỗ của DN bị "treo" do "lỗi cơ chế" vẫn chưa được Bộ Tài chính tìm ra cách giải quyết. Người tiêu dùng không ở trong cuộc thì không hiểu nổi thị trường xăng dầu vận hành như thế nào. Lúc giá xăng dầu thế giới giảm thì chúng ta lại tăng...
Ông Bảo cho rằng, sửa Nghị định 84 lần này cần chú trọng nhất vào những "điểm yếu" của cơ chế xăng dầu đang bùng nhùng, gây bức xúc cho người dân hiện nay, đó là vấn đề giá. Với 3 phương án giá mà Bộ Công Thương đề xuất trong dự thảo sửa đổi lần này, theo ông Bảo, chỉ có phương án 1 là khả thi. Phương án 3 được cho là tích cực, theo tín hiệu của thị trường nhất nhưng các DN lo ngại là "ai phất cờ, chỉ đạo theo giá trần này" đến nay các cơ quan chức năng còn chưa trả lời được.
Phương án 2 thì càng nảy sinh mâu thuẫn, nếu thực hiện có thể dẫn tới kinh doanh xăng dầu của ta càng tách biệt ra so với thị trường thế giới, chứ không phải theo thị trường như mục tiêu ban đầu. Bởi nếu theo quy định này, thì giá thế giới có thể đã tăng lên rất cao nhưng chúng ta cũng chỉ bán được với giá "bình bình", DN nào "chịu" nổi.
Nghiêng về phương án 1 nhưng ông Bảo cũng lưu ý rằng, Nghị định phải ghi rõ "các công cụ của Nhà nước chỉ được thực hiện khi DN đã thực hiện đúng các quy định về giá", tức là "Nhà nước chỉ can thiệp về giá khi các công cụ đã được thực hiện hết như điều chỉnh thuế, Quỹ bình ổn giá, bù lỗ..."
Tại hội thảo này, ông Phan Thế Ruệ-Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN thay mặt các DN, cũng kiến nghị: Nghị định nên quy định thời gian điều chỉnh giá bán chỉ 10 ngày, thay vì 15 ngày như dự thảo. Theo ông Ruệ, "khung" 15 ngày quá xa, nếu giá thế giới lên liên tục thì ứng phó thế nào? DN lỗ hàng nghìn tỉ đồng trong trường hợp này thì xử lý ra sao?
"Nếu giảm giá có thể chỉ cần quy định 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày cũng được nhưng tăng giá các cơ quan chức năng cũng cần điều chỉnh trong khoảng thời gian ngắn hơn, cụ thể chỉ 10 ngày là phù hợp"-ông Ruệ nói.
Phương án 1: Khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trong phạm vi 6% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng. Trường hợp giá cơ sở giảm trên sáu 6% so với giá bán lẻ hiện hành, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các giải pháp điều tiết về thuế nhập khẩu, Quỹ Bình ổn... thương nhân đầu mối tiếp tục giảm giá bán lẻ, không hạn chế khoảng thời gian và số lần giảm giá.
Ngược lại, trong trường hợp yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong khoảng 5%, thương nhân được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng.
Khi các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng trên 5% đến 10% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối được quyền tăng giá 5%, cộng thêm 60% phần tăng thêm. 40% còn lại được sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp. Trường hợp giá cơ sở tăng trên 10%, hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Nhà nước công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá.
Phương án 2: Bộ Công Thương sẽ cố định mức giá cơ sở của tháng trước làm giá bán lẻ của tháng tiếp theo. Giá cơ sở được tính toán theo giá Platts Singapore (hoặc giá công bố tại sàn giao dịch khác) bình quân 30 ngày. Ngày làm việc đầu tiên của tháng tiếp theo, Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ công bố giá bán lẻ tối đa áp dụng trong tháng. Các thương nhân đầu mối có quyền tăng, giảm giá nhưng không vượt quá giá trần do Liên Bộ công bố.
Nếu giá cơ sở vượt quá giá giá bán lẻ hiện hành từ 5% trở lên, sau khi điều chỉnh tăng đến 5%, phần còn lại Liên Bộ quyết định sử dụng các biện pháp bình ổn theo quy định của pháp luật. Nếu giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ hiện hành từ 5% trở lên, sau khi điều chỉnh giảm đến 5%, phần còn lại Liên bộ quyết định trích lập Quỹ Bình ổn giá hoặc tăng thuế nhập khẩu.
Phương án 3: Bộ Công Thương nêu rõ, mức trần giá bán lẻ cả năm sẽ được công bố tại ngày làm việc đầu tiên của năm. Doanh nghiệp đầu mối tự quyết định giá bán, thời điểm điều chỉnh giá. Định kỳ hằng quý, cơ quan quản lý nhà nước tính toán chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán lẻ quy định. Nếu giá cơ sở vượt mức trần giá bán lẻ thì đoanh nghiệp được sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp chênh lệch, căn cứ vào hóa đơn bán hàng của mình.
Theo Nghị định 84 hiện hành, thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 10 ngày đối với trường hợp giảm giá.
Mai Hương