Dân Việt

Đăng ký tạm vắng, nam sinh viên bỗng... bị bắt

02/05/2012 06:08 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 11.5, TAND thị xã Thủ Dầu Một xử sơ thẩm (lần 2) đối với sinh viên Đoàn Xuân Lộc. Đây là vụ án khá hi hữu khi một sinh viên đến công an phường làm giấy tạm vắng để đi học thì bị bắt theo lệnh truy nã...

Không đánh nhau vẫn bị 3 năm tù

Một ngày đầu năm 2009, có hai nhóm thanh niên gọi điện thoại, hẹn nhau đến một quán karaoke để uống rượu giảng hòa vì có mâu thuẫn trước đó (trong đó có Lộc). Khi đến nơi, thay vì xóa bỏ hiềm khích, hai nhóm lại đánh nhau. Nhưng, theo lời khai của nhiều người, lúc đó Lộc đang ngồi với bạn gái ở chòi khác trong quán cà phê chứ không tham gia vụ đánh nhau.

img
Ông Đoàn Duy Công vẫn ngày ngày đem hồ sơ vụ việc đi kêu oan cho con trai.

Sau đó, cơ quan điều tra khởi tố vụ án, xử lý các bị cáo khác. Riêng Lộc vẫn ở nhà, ôn thi và một năm rưỡi sau thì trúng tuyển vào một trường cao đẳng ở TP.HCM. Nhập học được 4 tháng, trong lúc lên công an phường làm giấy tạm vắng để đi học, Lộc bỗng dưng bị bắt giam vì một quyết định truy nã từ… trên trời rơi xuống mà Lộc không hề hay biết.

Tháng 4.2011, TAND thị xã Thủ Dầu Một đưa vụ án hình sự cố ý gây thương tích ra xét xử sơ thẩm với bị cáo Đoàn Xuân Lộc. Tòa tuyên phạt Lộc 3 năm tù giam. Tại đây, Lộc cho rằng mình không hề tham gia vào vụ đánh nhau gây thương tích cho 2 người thuộc nhóm thanh niên kia. Tòa sơ thẩm cũng xác định “bị cáo Lộc không trực tiếp gây thương tích cho những người bị hại” nhưng đóng vai trò đồng phạm giúp sức nên phải chịu hình phạt 3 năm tù (!?).

Theo ông Đoàn Duy Công - cha bị cáo Lộc, việc cơ quan công an khởi tố bị can rồi bắt giam con trai ông có rất nhiều khuất tất. Bởi, từ tháng 7.2010, Lộc vẫn sáng đi học ở TP.HCM, chiều về nhà ở thị xã Thủ Dầu Một nhưng cơ quan công an không hề “hỏi thăm”. Mặt khác, theo quy định, cơ quan điều tra phải gửi quyết định khởi tố bị can qua chính quyền địa phương, cơ quan tổ chức, gia đình bị can và phải có ký nhận. Thế nhưng, ông Công và Lộc đã không hề nhận được bất cứ giấy tờ nào...

Hủy án vì sai sót nghiêm trọng

Tháng 8.2011, trong phiên xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Dương nhận định: Khi khởi tố bị can Lộc, cơ quan tố tụng đã không hề giao quyết định khởi tố cho Lộc nên Lộc không hề biết mình bị khởi tố. Mặt khác, thủ tục xác minh lý lịch bị can, truy nã và bắt người có lệnh truy nã với Lộc, cơ quan điều tra tiến hành chưa đầy đủ theo quy định pháp luật. Khi xét xử, tòa sơ thẩm không thực hiện đầy đủ quy định về công bố lời khai của những người được triệu tập nhưng vắng mặt…

Lộc bị bắt tại Công an phường Hiệp Thành khi lên xin tạm vắng để đi học. Thử hỏi liệu có ai biết mình đang bị truy nã mà còn dám lên công an phường xin tạm vắng để bị bắt?”.

“Các sai sót trên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Do đó, để đảm bảo việc xét xử không oan, không bỏ lọt người phạm tội, tòa tỉnh chấp nhận đề nghị của Viện KSND tỉnh là hủy bản án sơ thẩm để tiến hành điều tra, xét xử lại” – án phúc thẩm nhấn mạnh.

Luật sư Lê Quang Vũ - Văn phòng Luật sư Người Nghèo, khẳng định: Không có căn cứ cho rằng Lộc bỏ trốn khỏi địa phương sau khi bị khởi tố. Bởi, Lộc vẫn ở tại nhà, sáng đi học ở TP.HCM, tối về nhà chứ không hề bỏ trốn.

Cơ quan điều tra đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng khi không gửi giấy triệu tập bị can lên trình diện mà lại tùy tiện ra quyết định truy nã để rồi sau đó bắt giam Lộc làm ảnh hưởng đến việc học tập của em.