Những ngày nắng nóng vừa qua, sau khi đi làm về anh Hải (Trần Nhân Tông - Hà Nội) cùng hai cậu con trai nhanh chóng kéo nhau vào công viên Thống Nhất để tránh nóng bức. Anh Hải than thở: “Nhà hai tầng, tầng nào cũng lắp điều hòa đầy đủ nhưng nóng vẫn hoàn nóng. Mỗi lần mở cửa ra khỏi phòng sức tôi còn muốn ngất huống chi mấy đứa nhỏ.
Điều hòa mát thật nhưng ngồi lâu cũng không tốt. Mấy ngày nay, chiều nào tôi cũng cho hai cháu vào công viên tránh nắng. Trong công viên không khí thoáng đãng lại nhiều cây xanh, gió trời lồng lộng mấy đứa nhỏ thoải mái đùa nghịch”.
Dân Thủ đô đổ xô vào công viên để tránh nắng. Ảnh minh họa: Đàm Duy |
Công viên ngày bình thường đã đông, nay với thời tiết oi ả lại càng đông hơn. Ngoài những ông bố, bà mẹ dắt díu, bồng bế con cái còn có nhiều người cao tuổi cũng có nhu cầu vào công viên tránh nắng.
Bác Nguyễn Đức Độ, một cán bộ hưu trí thường xuyên đi bộ và dạo mát trong công viên Thống Nhất cho biết: “Lên ở với thằng cả đã ba năm nay nhưng tôi vẫn chưa thể quen với cái nắng nóng, ngột ngạt ở Thủ đô. Ở quê, vào những ngày này, còn có bụi tre, góc vườn tránh nắng chứ ở thành phố chỉ còn có công viên là nơi thoáng đãng hơn. Mấy ngày hôm nay nắng nóng quá tôi ở cả ngày ngoài công viên, tối đến trời dịu mát hơn mới dám về nhà”.
Cùng chung cảnh ngộ với bác Độ, bác Lan uể oải: “Nghe nói nắng nóng còn kéo dài vài ngày nữa, cứ duy trì nhiệt độ ở mức chót vót thế này có khi tôi “định cư” luôn trong công viên. Nóng thế này người trẻ khỏe còn uể oải huống chi người già chúng tôi”.
Cạnh đó, nằm dài trên ghế đá, chị Đinh Thị Hợi (Hà Nam) cho biết: “ Tôi lên Hà Nội khám bệnh, mặc dù đi rất sớm nhưng do người đến khám quá đông nên đến gần trưa mới đến lượt. Bác sĩ nói cuối giờ chiều mới có kết quả xét nghiệm nên tôi phải vào công viên chờ cho đỡ nóng”.
Nắng nóng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân mà những sinh hoạt thường ngày của các gia đình cũng vì thế mà bị đảo lộn, xáo trộn.
Thường ngày, chị Thanh chỉ đi chợ mua vài mớ rau, mấy lạng thịt là xong bữa cho cả nhà nhưng vào những ngày này nấu cơm như bình thường cả nhà không ai động đũa nên sáng nay, chị phải cầu kỳ mua cua nấu canh ăn cho dễ "vào".
"Đi cả chợ tranh nhau mãi mới mua được mớ mồng tơi, giá mỗi lạng cua lên tới 25.000 đồng mà vẫn phải gắng mua để nấu bát canh. Trời nóng thế này chỉ nấu canh cua may ra thì hai đứa nhỏ mới ăn được bát cơm." Chị Thanh ngậm ngùi.
Cẩm Ngọc