Dân Việt

Đổi mới bộ mặt nông thôn vùng dân tộc, miền núi

03/05/2012 07:19 GMT+7
(Dân Việt) - Nhân dịp kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống Cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc (3.5.1946 - 3.5.2012), Báo NTNN trân trọng trích đăng bài viết của đồng chí Giàng Seo Phử - Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, phần về “Dấu ấn một nhiệm kỳ”.

Những dấu ấn quan trọng

Nhìn lại nhiệm kỳ 2007-2011, ngành công tác dân tộc đã đạt được những kết quả có dấu ấn quan trọng. Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước vẫn dành sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là tập trung xoá đói giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi.

img
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã biên giới Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang).

Nhờ có chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng và Nhà nước, được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cùng sự đồng thuận và nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, ngành công tác dân tộc đã thực hiện có hiệu quả cao các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, xoá đói giảm nghèo, làm cho bộ mặt dân tộc và miền núi có sự đổi thay đáng kể, nhất là về cơ sở hạ tầng thiết yếu, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự chuyển biến tích cực.

Những dấu ấn nổi bật đó là: Tham mưu giúp Ban Bí thư T.Ư Đảng tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khoá IX) và Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về công tác dân tộc; tham mưu giúp Chính phủ ban hành Nghị định 05/2011 về công tác dân tộc - văn bản có tính pháp lý cao nhất trong truyền thống 65 năm của ngành; tham mưu với Đảng, Nhà nước tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam ở 3 cấp (huyện, tỉnh và toàn quốc).

Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại thủ đô Hà Nội tháng 5.2010 là một mốc son trong đời sống chính trị, xã hội, văn hoá của đồng bào các dân tộc, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao; tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 1971/CT-TTg về tăng cường công tác dân tộc thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hoá đất nước...

Đặc biệt, năm 2011, Ủy ban Dân tộc đã rà soát, sửa đổi, bổ sung và triển khai xây dựng 28 đề án của nhiệm kỳ 2011- 2016, trong đó có Đề án Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2011- 2020, Đề án xin chủ trương thành lập Học viện Dân tộc; trình Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 giai đoạn III và nhiều đề án khác... Tổ chức thành công Chương trình giao lưu văn hoá Việt Nam- Lào; Trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất; Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ hai...

Đời sống đồng bào cải thiện rõ rệt

Trong nhiệm kỳ qua, nhiều chủ trương, chính sách dân tộc đã được cụ thể hoá bằng các chương trình, dự án ưu tiên phát triển vùng dân tộc và miền núi. Ủy ban Dân tộc đã bám sát chương trình công tác, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ tham mưu ban hành, tổ chức thực hiện và tổng kết các chính sách quan trọng. Điển hình là Chương trình 135 giai đoạn II, một chương trình hợp lòng dân, được Đảng, Nhà nước và các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Cùng với Chương trình 135, nhiều chính sách khác cũng được thực hiện cho hiệu quả thiết thực, như: Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; chính sách định canh định cự cho đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vay vốn phát triển sản xuất...

Để có được những thành quả đổi mới bộ mặt nông thôn vùng dân tộc, miền núi trong những năm qua là nhờ có sự đóng góp to lớn của Chương trình 135. Sau hơn 10 năm thực hiện (1999- 2010), tổng vốn đầu tư gần 15.000 tỷ đồng đã xây dựng được gần 13.000 công trình hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 2,2 triệu hộ nghèo; đào tạo, tập huấn cho trên 460.000 cán bộ xã, thôn bản và người dân; hỗ trợ kinh phí cho gần 930.000 lượt học sinh con hộ dân tộc thiểu số nghèo.

Đến nay, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ dân tộc cơ sở được củng cố. Tổ chức, bộ máy và cán bộ làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương được kiện toàn về số lượng và nâng cao về chất lượng, từng bước đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác hợp tác quốc tế về lĩnh vực công tác dân tộc được tăng cường và đổi mới từng bước.

(*) Tít chính và các tít nhỏ trong bài do Báo NTNN đặt.