Đến tên cướp liều lĩnh nhất thập kỷ 90 của thế kỷ trước cũng không ngờ lại có một lực lượng dám "liều lĩnh" hơn mình. Công an xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động, Bắc Giang tay không tấc sắt đã dám bắt gọn tên trùm băng cướp Bạch Hải Đường khét tiếng hoành hành Bắc Nam.
Giữa những ngôi miếu cô hồn!
Cái tên Bạch Hải Đường chỉ là hư danh để Nguyễn Văn Phái nhân một buổi hứng chí đặt tên cho băng cướp của mình, chứ thực ra Bạch Hải Đường chẳng là cái đinh gỉ gì so với cách mà Phái và đồng bọn đã làm. Sự liều lĩnh, bạo tàn của băng cướp này đến nay những người quanh đèo Hải Vân vẫn còn nhắc tới trong run rẩy, sợ hãi.
Lực lượng công an xã Tuấn Đạo |
Những vụ cuớp "tiêu biểu" của hắn tại đây như một cơn lốc đen cuốn tất cả thần chí của con người lên tận mây xanh. Nằm mật phục ở các con đèo nơi có đường cua tay áo rồi bất thần bắn xối xả vào xe đi qua bằng súng AK, hết băng đạn, chậm rãi thay băng mới cho hành khách nhận biết tình hình rồi từ trên cao ném thẳng băng đạn đã hết vào kính xe, thong thả rút súng K54, kê một viên đá vào bánh xe cho khỏi trôi rồi bắn xịt lốp.
Hành khách lúc này chỉ còn là những miếng bánh đúc thoi thóp không dám thở mạnh mặc cho bọn chúng lục soát hành lý tư trang. Có những lần, bọn cướp đã bỏ đi hàng tiếng đồng hồ mà các chiến sĩ công an khi tiếp cận vẫn thấy hành khách nằm úp mặt xuống sàn xe xin tha chết vì tưởng bọn cướp vẫn ở đó. Không có nhận diện, không có phản ứng chống trả!
Trước tình hình đó công an các tỉnh lân cận đã tổ chức các ban chuyên án nhằm tiêu diệt băng cướp này, quyết định cuối cùng là "Được phép tiêu diệt tại chỗ!". Chiến công này của công an Quảng Bình, sau khi biết được sự ranh ma của bọn cướp: Hễ thấy vùng nào có lực lượng đặc nhiệm thì bọn chúng lại chuyển sang vùng khác, hàng loạt các vụ cướp khác trên đèo Cả, đèo An Khê, đèo Phước Tượng với cùng một "thương hiệu" đã vạch cho Thượng tá Lê Xuân Bân (lúc đó đang là phó CA huyện Quảng Trạch) một kế hoạch tối ưu.
Với tất cả các con đèo dọc tuyến Bắc Nam tại xứ Quảng, lực lượng công an gần như công khai có mặt trên các chuyến xe, điểm duy nhất bỏ ngỏ là đèo Ngang. Con thú đã sa bẫy, hơn chục ngày mật phục tại đây, công an Quảng Bình vừa chờ đợi, vừa mong muốn tiếng súng không nổ ra.
Bất ngờ tiếng súng ấy nổ vào mùa xuân năm 1990 tại đèo Ngang, có tới 8 hành khách bị thương, bọn cướp bị tiêu diệt gọn, tên phó tướng Võ Văn Huy bị thương vào chân và bị bắt sống nhưng con quỷ cầm đầu bỗng nhiên bốc hơi, suốt một tháng sau đó, từng vạt cỏ của khu vực này bị lật ra để tìm Nguyễn Văn Phái có đặc điểm: "Cao 1m72, răng nanh bên trái bị sứt, đùi phải có xăm hình quan tài. Đối tượng đặc biệt nguy hiểm, nếu phát hiện mà không tiếp cận được thì được phép nổ súng tiêu diệt". Nhưng các lực lượng công an xứ Quảng không ngờ hắn trốn xa thế.
Huyện Sơn Động, Bắc Giang nằm khuất sau bức tường vùng Đông bắc triền Yên Tử là nơi tên cướp này chọn làm nơi ẩn náu. Nơi đây ghi dấu tích vụ giết người hai năm trước mà Phái là kẻ cầm đầu, cũng như vô vàn vụ cướp khác trước khi hắn vào Nam trên cả ba tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh (vì đây là nơi giáp ranh của ba tỉnh).
Triền Tây Yên Tử, nơi có người sau khi có đường nên con đường độc đạo tại đây hoang vắng, sâu thăm thẳm. Sử đã ghi: Lê Tương Dực, húy là Oánh, niên hiệu Hồng Thuận bắt lập đường Sơn Đạo tại Tây Yên Tử lấy gỗ lim xanh xây cung điện gần suối Giải Oan, dựng lại chùa Hoa Yên, dân phu chết nhiều, không mang được xác về, lòng người oán thán, lập nhiều miếu cô hồn - (Đại Việt Thông Sử).
Tên Sơn Động gọi trại của đường Sơn Đạo mà thành, hiện tại đây cũng còn rải rác nhiều miếu cô hồn thờ dân phu chết oan vì ông vua ham xây dựng này (vị vua này cũng là tác giả của Cửu Trùng Đài đầy máu và nước mắt). Lẩn trốn giữa những ngôi miếu bảng lảng sưong khói, Nguyễn Văn Phái không ngờ ngày đền tội của hắn lại đến nhanh thế.
Đêm vật lộn đầy tình người!
Các thợ săn lão luyện đã phát hiện ra trong rừng có nhiều bãi phân người còn nguyên cả măng tươi: Chỉ những kẻ trốn tránh pháp luật, làm điều mờ ám mới phải chui lủi trong rừng chịu ăn măng thay cho cơm.
Nhưng đây là kẻ lão luyện, thông thuộc vì số măng ấy xem ra toàn thứ măng lành có thể ăn tươi được. Phòng tuyến an ninh toàn dân được huy động, công an hai xã Thanh Sơn, Tuấn Đạo vào cuộc. Khi có lệnh truy nã đưa về, các lực lượng như ngồi trên lửa...
Suốt ba ngày, công an xã Thanh Sơn, Tuấn Đạo mật phục bám theo đối tượng khả nghi nhưng tiếp cận là điều không thể, cây súng tiểu liên có thể xuất hiện bất cứ lúc nào để khạc lửa. Cuối buổi chiều mưa đầu tháng Ba người đi rừng "nổi tiếng" ấy bắt đầu xuất hiện gần bến sông Giậu Ải.
Nhận được tin báo giữa cơn mưa rừng, ông Hoàng Minh Liên lúc đó là trưởng công an xã Tuấn Đạo triệu tập phiên họp gấp: Quyết định phải tiếp cận đối tượng khi hắn đi qua Giậu ải, điểm duy nhất để qua sông, nơi đây vắng dân cư. Bằng mọi giá, nơi này phải là những bước chân tự do cuối cùng nếu hắn là đúng tên tội phạm kia.
Chỉ cần thêm vài bước chân nữa qua đây, hắn sẽ đến khu vực dân cư đông đúc là xóm Chủa, Bãi Chợ. Nhớ lại lúc ấy, đồng chí Hoà (lúc ấy là phó công an xã) biệt danh là Hoà "gió" (người nhỏ mà nhanh như một cơn gió trên đỉnh Yên Tử) hào hứng: "Cái khó của bọn tôi lúc ấy là không biết đó có phải là tên tội phạm nguy hiểm hay không. Nếu biết chắc chắn là thằng cướp Nguyễn Văn Phái thì chỉ một đòn là bọn tôi hạ gục ngay. Nhưng nếu không phải thì nguy to, mất việc như chơi".
Thợ săn vùng này còn dám tay không đánh nhau và hạ gục được con gấu hàng tạ nên xem ra đấy cũng không phải câu đùa tếu. Trời không dung kẻ ác, trong những người phối hợp với công an xã Tuấn Đạo có một trung úy bộ đội, ông Hoàng Văn Bảng đang về phép có một khẩu súng ngắn.
Vòng vây khép chặt, những đồng chí công an như những thợ săn ém trong bụi, người đi rừng lững thững chuẩn bị qua sông, ông Bảng rút súng: "Phái! Đứng lại". Một tích tắc khựng lại, người khách lạ đã bị kèm ốp hai bên bởi các công an xã kèm theo lời nói nhã nhặn "Mong anh phối hợp với chúng tôi!".
Về đến trụ sở, chiếc túi của người khách lạ được bỏ ra, chỉ có mấy chiếc đục khêu nhựa nến và mấy con dao tìm trầm, người khách cũng điềm tĩnh: "Chắc là các anh nhầm". Lúc ấy, lại có người nhận mặt: "Anh này cùng tên là Phái nhưng là chồng của cô K bên xóm N".
Công an xã ngẩn người! Tấm ảnh trên lệnh truy nã cũng không giống chút nào, trên ảnh gầy, tóc dài, đây thì béo, tóc ngắn... Nhưng chút nhạy bén như bản năng của những con người sinh ra đã là thợ săn ở Yên Tử đã cứu tất cả. Cuộc họp chớp nhoáng, anh em đều nhận định: "Chấp nhận ăn măng ba ngày trời mà không xuống chỗ dân cư là một điều quái gở. Lấy vợ vùng này phải biết, dân cư tại đây rất quý khách, cứ tìm bất cứ nhà nào cũng được cho ăn cho uống thoải mái. Phải có điều gì mờ ám".
Giữa mịt mùng mưa bão, anh Hoà "gió" lại nhận lệnh lên công an huyện (hồi đó chưa có bất cứ phương tiện thông tin gì) xin chỉ thị. Lúc trở về (chỉ một mình vì không phải người lão luyện tại đây không ai có thể vượt qua con sông Đẵn Chè ngăn từ xã lên huyện lúc đang lũ, kể cả công an huyện), nói không ra hơi sau gần 20 ký lô mét vượt rừng, anh Hòa ghé tai trưởng công an xã Hoàng Minh Liên thì thầm.
Ông Liên lẳng lặng đến gần đối tượng, nụ cười trên môi, bất chợt ghì người khách lạ xuống "Xin lỗi nếu như anh là người lương thiện". Anh Hòa tụt quần người khách: chiếc quan tài đang co giật một cách quái dị trên đùi phải. Mấy nén hương trên nắp quan tài còn đang nhảy múa, anh Hòa đã khóa tay: Nguyễn Văn Phái, anh đã bị bắt. Một chi tiết mà lệnh truy nã kia đã bỏ quên: hình xăm của tên cướp trên đùi phải là chiếc quan tài như một điềm báo cho kẻ vong mạng.
Có một điều mà những người công an xã Tuấn Đạo ngạc nhiên là từ khi bị phát hiện, Nguyễn Văn Phái hết căng thẳng, vui lên trông thấy. Cũng có lẽ khi biết hắn chỉ có một con đường là ra pháp trường nên công an xã Tuấn Đạo đã không những không khóa tay mà còn cho tên cướp này một bữa no say.
Hăng hái vì bát rượu đầy hào sảng của người đứng phía bên kia ranh giới thiện ác với mình, hắn kể vanh vách bao "chiến công" ghê tởm của mình. Những người công an xã cũng hào hứng theo câu chuyện của hắn để thấy mình đỡ mệt. Đã nhiều đêm nay, họ không ngủ!