Dư luận đưa ra nhiều giả thiết về việc AVG đột nhiên buông bản quyền truyền hình bóng đá sau rất nhiều công sức đàm phán, ký kết và bảo vệ bản hợp đồng. Ông có thể cho biết lý do thực sự của việc này là gì?
Ở đây không có sự “đột nhiên” nào cả, mà lý do rất đơn giản. Như tôi đã từng nói, nếu có ai đó đem lại được cho bóng đá VN nhiều lợi ích hơn, tôi sẵn sàng chuyển giao thương quyền cho người đó. Các cơ quan chức năng đã khẳng định bản hợp đồng mà chúng tôi ký với VFF là đúng luật. VPF thừa nhận kết luận ấy và đã không khiếu nại lên cấp cao hơn. Bên cạnh đó, VPF cam kết có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Và tôi đã giữ lời hứa của mình.
Ông Phạm Nhật Vũ khẳng định rằng AVG buông bản quyền không phải vì bầu Kiên hứa cho vay tiền |
Chứ không phải vì AVG (hay VinGroup) đã được ông Nguyễn Đức Kiên cam kết cho vay vốn?
Tôi xin khẳng định là AVG chúng tôi và anh Kiên chưa có bất cứ cuộc làm ăn chung nào. Chúng tôi cũng không có ý định vay tiền từ nguồn vốn của anh Kiên trong một tương lai gần. Nhân đây, tôi cũng một lần nữa nhắc lại AVG là doanh nghiệp độc lập với VinGroup. Chúng tôi không chịu bất cứ tác động hay ảnh hưởng nào từ VinGroup cả.
Hiện AVG vẫn đang nắm giữ bản quyền truyền hình của một số liên đoàn thể thao. AVG có lo ngại sẽ có thêm một “ông Kiên” khác ở những môn thể thao khác mà AVG ký hợp đồng bản quyền truyền hình không? Và liệu AVG có ý định mua tiếp bản quyền của các liên đoàn khác?
Cũng giống như bản hợp đồng thương quyền truyền hình đã ký với VFF, các bản hợp đồng khác được ký kết hoàn toàn đúng luật. Chính vì vậy mà chúng tôi không có gì lo ngại cả. Nếu xảy ra tranh cãi thì chúng tôi vẫn sẽ xử lý theo nguyên tắc mà chúng tôi đã áp dụng trong việc giải quyết hợp đồng thương quyền truyền hình bóng đá: Tức là trên cơ sở luật pháp và tôn trọng lợi ích của các bên liên quan.
AVG đã có bản quyền của các bộ môn mà theo nghiên cứu của chúng tôi, đó là những bộ môn hấp dẫn người xem truyền hình. Các bộ môn khác thì chúng tôi cần có thời gian để xem xét thêm.
Thế giới hiện đại chuyển biến rất nhanh, khó có thể đưa ra được dự đoán phát triển của một lĩnh vực nào đó trong 5, 10 năm. Ông lý giải thế nào về ý kiến cho rằng khi ký hợp đồng bản quyền 20 năm là AVG nghĩ nhiều về lợi ích của mình hơn lợi ích của thể thao Việt Nam?
Hiểu theo cách của nhà Phật, thì mọi sự là “vô thường”. Như vậy, việc sẽ xảy ra chỉ ngay sau đây vài phút là ta có thể đã không biết sẽ là thế nào, chứ đừng nói là vài ngày, vài tuần hay vài năm..., nhưng nhìn theo cách thông thường thì cam kết lâu dài mới là cách nghĩ và cách làm đúng và tốt nhất cho thể thao Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không bao giờ làm việc một cách cứng nhắc mà luôn có sự vận động linh hoạt để theo sát diễn biến của thực tế. Trong kinh doanh, chúng tôi luôn áp dụng lời dạy của đạo Phật như một nguyên tắc: “lợi hòa đồng quân”, tức là luôn nghĩ đến lợi ích của người khác hòa cùng lợi ích của mình. Vì vậy, không thể có chuyện các bản hợp đồng đó chỉ đáp ứng quyền lợi lâu dài cho AVG.
Kênh truyền hình chuyên về thể thao mà AVG đang phát sóng sẽ hoạt động như thế nào khi không còn bản quyền truyền hình?
Hệ thống truyền hình đa kênh mà AVG đang cung cấp có một kênh liên kết chuyên về thể thao – giải trí mang tên là “NCM”, viết tắt từ khẩu hiệu của phong trào Olympic “Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn”. Kênh này phát sóng nhiều môn thể thao khác nhau của Việt Nam như võ thuật, điền kinh hay các môn thể thao đường phố…, mà tôi tin là khán giả sẽ rất thích. Sau đây chúng tôi sẽ áp dụng những thay đổi phù hợp thị hiếu người xem truyền hình, theo phong cách thật hiện đại.
Trong buổi trả lời phỏng vấn VTV1 trong tuần này, Bầu Kiên nói rằng nhờ vụ bản quyền mà AVG trở nên nổi tiếng. Có phải đó cũng chính là thứ bù đắp cho những chi phí mà AVG đã bỏ ra khi chuyển giao bản quyền mà không lấy một đồng nào?
Nếu như không có nền tảng pháp lý vững chắc, thì sự “bỗng dưng nổi tiếng” cũng chẳng vẻ vang gì. Chúng tôi không nghĩ là mình đã bị tổn thất gì đó, bởi những thứ mà chúng tôi đã chi tiền là những đóng góp ít nhiều cho bóng đá Việt Nam. Báo chí có nói rằng “bản quyền truyền hình bóng đá Việt Nam tăng giá nhanh nhất Đông Nam Á”. Như vậy rõ ràng sự đóng góp của chúng tôi là có ích. Và như thế thì càng không thể gọi đó là “tổn thất”.