Trị bệnh theo... kinh nghiệm
Anh Nguyễn Bá Thành ở khu dân cư Kinh Hạ- người có thâm niên chăn nuôi gia súc 20 năm nay cho biết: “Hầu hết các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như chúng tôi đều không có kiến thức bài bản về chăn nuôi thú y, chủ yếu vẫn học hỏi cách nhận biết bệnh dịch qua kinh nghiệm của nhau rồi tự tìm thuốc chữa trị hoặc ra cửa hàng thuốc thú y kể bệnh. Người bán bán cho thuốc gì thì dùng thuốc ấy”.
Mô hình nuôi chim cút, gà đẻ của gia đình anh Nguyễn Thế Chiến. |
Cũng như anh Thành, anh Nguyễn Thế Chiến- chủ một gia trại có quy mô chăn nuôi khá lớn cho biết, từ lâu anh đã mong muốn được học nghề để mở rộng mô hình chăn nuôi nhưng ngại rủi ro. “Cách đây 3 năm, khi mới bắt tay vào chăn nuôi điều tôi lo ngại nhất là dịch bệnh. Gia cầm rất dễ mắc dịch bệnh do vậy phải nắm được các đặc tính của từng loại gia cầm mà có cách chăm sóc riêng chứ không thể nuôi theo cảm tính. Nuôi với số lượng lớn mà theo cảm tình thì chỉ cần “sẩy một li đi một dặm”, vốn liếng coi như mất trắng”.
Nhận thấy hầu hết các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong huyện đều “khát” kiến thức cơ bản về kỹ thuật chăn nuôi cũng như các biện pháp phòng tránh dịch cho gia súc, gia cầm, cuối năm 2011, Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm tỉnh Hải Dương phối hợp với Hội Nông dân huyện Kinh Môn tổ chức lớp dạy nghề chăn nuôi thú y cho bà con. Lớp học diễn ra 3 tháng nhưng thu hút nhiều học viên tham gia một cách hăng hái.
“Khi tham gia lớp học, học viên được trang bị những kiến thức cơ bản về chăn nuôi, cách chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật và sử dụng hiệu quả thức ăn trong chăn nuôi; cách phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, học viên được học cách phòng dịch bệnh, phát hiện dịch và cách dập dịch khi có dịch bệnh xảy ra”- cô Phạm Thị Hương, giáo viên đứng lớp chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Quế, thành viên lớp học cho biết: “Ngoài kiến thức thú y, phòng dịch, chúng tôi còn được các giáo viên trung tâm truyền đạt những thông tin định hướng thị trường, khả năng kinh doanh... nâng cao được giá trị sản phẩm. Giờ bà con khá tự tin khi chăn nuôi”.
Có học có hơn
Từ sau khóa học, anh Nguyễn Thế Chiến đã bắt đầu mở rộng quy mô chăn nuôi. Anh cho biết: “Gia đình tôi bắt đầu chuyển đổi đất nông nghiệp sang nuôi chim cút, gà nhập khẩu đến nay đã được 4 năm. Ban đầu, tôi bị thua lỗ nhiều vì giống chim cút dễ nuôi nhưng lại hay mắc dịch. Giờ có thông tin, kiến thức, tôi tiêm vaccin liên tục 3 tháng một lần cho chim cút. Với gà nhập khẩu nuôi lấy trứng phải áp dụng đúng quy trình để tránh nóng, ẩm đảm bảo quá trình sinh trưởng cho gà. Đến nay, gia đình tôi đã nuôi được 1 vạn con chim cút, 500 gà đẻ lấy trứng cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm”.
Anh Nguyễn Thế Chiến
Bà Trần Thị Triển – Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Kinh Môn khẳng định, cái được lớn nhất sau khoá học là việc 35 thành viên trong lớp học đã đoàn kết thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi thú y: “Đây là một thành quả trong công tác đào tạo nghề nông. Hầu hết học viên học nghề để phát triển nghề nên học rất nghiêm túc, sau khi học, bà con đều biết áp dụng khoa học kỹ thuật cộng với kinh nghiệm có sẵn, vào HTX, bà con hỗ trợ nhau vốn trong chăn nuôi, các loại thuốc phòng dịch để đảm bảo việc tăng gia sản xuất”.
Đặc biệt, Hội Nông dân cũng tham gia khá năng động vào quá trình này. Cụ thể là Hội Nông dân thị trấn Kinh Môn đang xúc tiến tìm đặt mua thuốc cúm H5N1 cho bà con “bởi thuốc chỉ được cấp miễn phí khi có dịch mà nhu cầu sử dụng để tự phòng dịch của các hộ chăn nuôi rất lớn”- bà Triển nói.
Ngô Xuân