Đứng ngồi không yên
Hồ Ngọc Xum bước vào điện ảnh với tấm bằng tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn từ những tháng ngày làm phu khuân vác dưới bến thuyền để có tiền ăn học. Thế nên trong ông đầy ắp cuộc sống, một cuộc sống vất vả lầm than nhưng chứa chan tình người của những người Nam Bộ.
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum (trái) trên trường quay. |
Ra Hà Nội học nghề đạo diễn, sau đó ông về Hãng phim Giải Phóng để làm biên tập phim, rồi dần dà bước vào việc làm một số bộ phim tài liệu trước khi chuyên canh ở mảng phim truyện. Bao năm qua, ông lặng lẽ đi một con đường riêng của mình: Làm phim từ tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh và phim cho nông thôn.
Hồ Ngọc Xum tâm sự: “Tôi không “kỳ thị” bất cứ loại phim nào. Phim nào cũng có đối tượng khán giả riêng của nó, nhưng tôi chỉ thích làm những bộ phim mang đến được một chút gì đó cho khán giả. Tôi xuất thân từ nông thôn, tôi hiểu những người dân ở đó họ cần gì để giải trí trong đời sống văn hóa tinh thần, họ muốn được xem câu chuyện của làng xóm mình, hay những câu chuyện của nông thôn Nam Bộ đầu thế kỷ XX trong tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh cũng rất được yêu thích”.
Chính vì vậy mà trong suốt hơn 1 thập kỷ qua, một mình ông kiên trì lần lượt làm rất nhiều phim từ những tiểu thuyết của nhà văn nông thôn Nam Bộ như “Con nhà nghèo”, “Ngọn cỏ gió đùa”, “Nợ đời”, “Cay đắng mùi đời” và gần đây nhất là “Lòng dạ đàn bà”.
Hồ Ngọc Xum nói rất thành thực rằng ông đang mang nỗi buồn của một người trong làng giải trí khi thấy những người nông dân, dân nghèo đang bị đẩy xa dần những phương tiện giải trí. Sân khấu kịch, truyền hình, điện ảnh... đều đang vắng dần những sáng tác về cuộc sống của người nông dân VN xưa và nay mà chỉ tập trung phục vụ chính cho đối tượng khán giả thành phố.
Lo cho người nuôi cá
Mấy năm nay, bên cạnh việc dựng lại các tác phẩm về nông thôn xưa, Hồ Ngọc Xum cũng rất chú ý tới mảng phim về nông thôn hiện đại. Phim về nông thôn của ông luôn gây chú ý như “Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa”, “Tình ca cao” và tới đây là “Chuyện làng bè”.
Hôm bấm máy phim mới ngày 19.4 vừa qua, Hồ Ngọc Xum vui lắm, ông bảo: “Nhận được kịch bản từ nhóm sáng tác Nhã Phương, tôi hào hứng vô cùng vì nó nói được vấn đề thời sự của những người nông dân nuôi thủy hải sản miền Tây hôm nay. Đó là chuyện con cá tra VN bị đưa vào danh sách đỏ, chuyện những người nông dân phải biết chung lưng đấu cật với nhau mới làm ăn lớn có thể khiến họ đổi đời.
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum
Tôi thấy kịch bản này đã đặt ra được vấn đề làm sao để giúp thủy sản VN chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế. Dường như câu trả lời không chỉ trông chờ vào những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mà còn nằm trong chính nhận thức của từng người chủ những “nhà bè” trên sông, những cá thể nông dân sống chết vì con tôm, con cá”.
“Chuyện làng bè” của Hồ Ngọc Xum lần này cũng chẳng có ngôi sao như các phim trước của ông. Ông lựa chọn diễn viên theo tiêu chí cứ hợp vai, làm được thì mời, nhưng diễn viên trẻ nào cũng cảm thấy vinh dự khi được làm phim cùng với ông vì họ biết khi phim đóng máy, họ đã có được hàng tá bài học diễn xuất, bài học kinh nghiệm cuộc sống mà không trường lớp nào dạy nổi.
Quỳnh Thu