Dân Việt

Làm nông vận với đồng bào Mường

06/05/2012 14:55 GMT+7
(Dân việt) - Về Nam Thượng, huyện Kim Bôi, Hòa Bình, chúng tôi không chỉ được nghe kể về Chủ tịch Hội ND xã Bùi Đức Hung, mà còn được chứng kiến những việc làm ý nghĩa của anh với đồng bào nơi đây.

Chúng tôi gặp anh Hung khi anh đang cùng bà con thôn Nước Ruộng làm con đường ra trung tâm xã.

img
Anh Bùi Đức Hung trên con đường thôn Nước Ruộng đang làm.

Vui cùng niềm vui của nông dân

Gặp chúng tôi, anh Hung tâm sự: "Bao nhiêu năm thôn Nước Ruộng không có đường, muốn ra xã, bà con phải đi bộ qua khe núi, từ sáng tới chiều mới đến nơi. Nhiều nhà mua lợn phải cho vào cái hộp gỗ để trâu kéo qua núi. Con đường làm xong, bà con muốn bán ít ngô, con lợn... sẽ dễ hơn".

Xã Nam Thượng có 85% dân số là dân tộc Mường, lại sống không tập trung nên việc đi lại, tuyên truyền, vận động ND rất khó khăn. Thấy bà con vất vả mà cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi anh Hung đến từng thôn hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt.

Anh Hung nhớ lại: "Trước đây, bà con trong xã nuôi lợn, gà theo cách thả lên đồi, không chăm sóc, phòng bệnh gì. Tôi đến từng thôn hướng dẫn bà con cách làm chuồng nuôi lợn, gà không chỉ phục vụ cho bữa ăn hàng ngày, mà còn để bán".

Kể về thủ lĩnh của mình, anh Bùi Văn Triện, thôn Nước Ruộng bảo: "Cán bộ Hung về thôn hướng dẫn chúng tôi cách nuôi, phòng bệnh dịch cho lợn, gà. Từ khi làm theo cán bộ hướng dẫn, đàn gà nhà tôi không bị chết nhiều như trước nữa".

Thấy bà con trồng lúa giống cũ năng suất thấp, nên cái đói luôn thường trực, anh Hung hướng dẫn bà con trồng giống lúa lai, năng suất cao hơn, hạt gạo chắc, thơm, lại ít bị nhiễm sâu bệnh và phù hợp với chất đất của xã.

Hỏi về những kỷ niệm làm công tác nông vận, anh Hung kể: "Có những hôm trời mưa, đường núi trơn trượt không đi được xe đạp, tôi cùng các cán bộ trong Ban chấp hành Hội ND xã phải đi bộ hơn chục cây số để vào các thôn. Tuy vất vả, nhưng nghĩ tới bà con mình đang còn vất vả là tôi có thêm nghị lực".

Chăm lo cho Hội

Nhớ ngày đầu nhận chức Chủ tịch Hội ND (2001), Hội không có quỹ hoạt động, anh Hung kể: "Các buổi sinh hoạt hội, tôi phân tích, là hội viên phải có nghĩa vụ nộp hội phí, nhưng không ai muốn. Đến tận nhà thu, họ nói là tiền đó tôi để mua rượu uống thích cái miệng hơn. Tôi giải thích cho bà con: Tiền quỹ hội là để phục vụ các buổi sinh hoạt, tổ chức tập huấn kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, để hội viên đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm ăn… Nghe ra, bà con không ngần ngại thực hiện nghĩa vụ của người hội viên".

Năm 2011, anh Hung cùng các cán bộ Hội ND xã mở 4 lớp nghề dạy cách trồng trọt, chăn nuôi”.

Hàng tháng, hàng quý, anh Hung tổ chức sinh hoạt hội để đánh giá lại công việc thời gian qua và đề ra nhiệm vụ cho các tháng, quý sau; đồng thời tuyên truyền những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước cho hội viên, ND. Mỗi buổi sinh hoạt Hội ND xã, chi hội còn là dịp để cán bộ hội giới thiệu những mô hình hay, để hội viên chia sẻ kinh nghiệm trong làm ăn của mình với nhau... Không chỉ hướng dẫn, giúp hội viên phát triển sản xuất, anh Hung còn cùng các ủy viên Ban chấp hành phối hợp với chính quyền, các đoàn thể trong xã tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, thể thao cho ND, đặc biệt vào các ngày lễ, tết.

Qua các buổi sinh hoạt bổ ích, nhiều ND đã tự nguyện xin vào Hội, tích cực tham gia các hoạt động của Hội. Anh Hung cho biết, toàn xã có 1.128 hộ ND, đến cuối năm 2011 có 975 hội viên ND, tăng 175 hội viên so với năm 2001.