Vụ việc 3 cây sưa (huê) cổ thụ bị đốn hạ trong lâm phận Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã gây xôn xao dư luận trong thời gian qua; đặc biệt là phát sinh rất nhiều hệ lụy liên quan, nhất là tình hình an ninh trật tự, sự an toàn của người dân trong vùng.
Gỗ huê nằm chất đống tại khu vực khai thác - Ảnh do dân đi rừng chụp |
Thứ nhất, trong quá trình tìm hiểu thông tin, chúng tôi chỉ nhận được sự né tránh của những người có trách nhiệm. Thứ hai, khi sự việc diễn biến phức tạp, hàng trăm người dân kéo vào rừng thì Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng mới báo cáo lên UBND tỉnh.
Sự chậm trễ này đã bị lãnh đạo tỉnh Quảng Bình phê bình trong cuộc họp sau đó. Tuy nhiên vấn đề nghi vấn là ban quản lý và lực lượng kiểm lâm không biết thông tin hay biết mà không xử lý.
Trong những ngày gần đây xuất hiện thông tin có đường dây bảo kê gỗ huê lên đến hàng chục tỉ đồng. Theo một luật sư tại Quảng Bình thì phải xem xét dấu hiệu giữa Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với những người liên quan thế nào thì mới có thể khởi tố hay không, nếu có quan hệ thì mới khởi tố được; trách nhiệm là có nhưng vấn đề chiều sâu đằng sau thế nào.
Với cây quý hiếm như thế, nó phải được bảo vệ nghiêm ngặt, nên xem công tác bảo vệ thế nào, trách nhiệm đến đâu. Đương nhiên trách nhiệm là có, còn đến đâu thì phải xem xét có sự bao che, tiếp tay hay không.
Ghi nhận của chúng tôi trong tối 4.5, trên tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn các xã Thượng Hóa (H.Minh Hóa), Xuân Trạch, Phúc Trạch, Sơn Trạch (H.Bố Trạch) không thấy bóng dáng lực lượng chức năng tuần tra. Trong khi đó xuất hiện một số ô tô tải với nhiều biểu hiện khác thường như chạy không bật đèn. Có một số thông tin phản ánh, xe tải chở gỗ huê chạy liên tục vì đã được “bật đèn xanh”.
Ngày 24.4, đoàn kiểm tra hùng hậu của vườn quốc gia vào rừng để xác minh chuyện trúng huê. Kết quả được công bố: hiện trường chỉ còn là 3 cái hố khá to và một số vỏ, bai cây huê sót lại. Tuy nhiên, Thanh Niên vừa nhận được đoạn video clip quay cảnh một nhóm người đang ngồi nghỉ giữa ngổn ngang cành, lá, gỗ và một bức ảnh chụp gỗ huê chất thành đống.
Thông số bức ảnh đề ngày chụp là chiều 24.4.2012, có nghĩa cho đến ngày đó, huê vẫn có tại vị trí khai thác. Trong khi, trước đó nhiều ngày, có ít nhất 2 đoàn kiểm lâm đã vào rừng kiểm tra. Dư luận đặt câu hỏi liệu có chuyện “nhắm mắt làm ngơ” hay không?