Ký ức 56 ngày đêm lịch sử
Bất chấp cái nóng như đổ lửa đang tràn ngập không gian, Điện Biên vào những ngày này rực rỡ cờ, hoa, biểu ngữ và dòng người, xe tấp nập trên mọi nẻo đường. Nổi bật giữa dòng người náo nức ngược xuôi lên đồi D1, A1, hầm Đờ Cát… là những cựu chiến binh với bộ quân phục màu xanh lấp lánh huân - huy chương trên ngực.
Hầm Đờ Cát tơ ri ở thành phố Điện Biên Phủ, điểm thu hút nhiều khách đến tham quan. |
Với họ, ký ức Điện Biên Phủ (ĐBP) chẳng chút phai mờ. Cụ Lò Văn Bóng (hơn 80 tuổi)-một cựu binh dân tộc Thái ở bản trung tâm xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, bảo: Với những người đã từng trực tiếp tham gia chiến dịch ĐBP như chúng tôi thì những trận đánh từ gần 60 năm trước vẫn như thấy ngay trước mắt mình.
Trong chiến dịch ĐBP, ông Bóng là thanh niên dân tộc sở tại được Bộ Tư lệnh Chiến dịch tin dùng với vai trò liên lạc, bảo vệ và hậu cần. Vì vậy ông được gần gũi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các chỉ huy chiến dịch. Cũng bởi vậy mà 50 năm sau, năm 2004, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại thăm chiến trường xưa, ông Bóng vinh dự được thay mặt người dân Mường Phăng nấu bữa cơm với rau rừng và cá suối mời Đại tướng.
Ông Bóng kể: Trong chiến dịch ĐBP, mỗi thông tin mất mát hy sinh về đến sở chỉ huy chiến dịch là ai cũng lặng người. Trong cuộc đối đầu không cân sức này, mỗi chiến sĩ không chỉ là một pháo đài chiến đấu, mà còn là một pháo đài tâm lý. Những hy sinh dũng cảm của họ đã góp phần làm nên chiến thắng oai hùng.
"Mồ hôi, nước mắt và máu của hàng vạn con người thấm xuống Điện Biên, vì thế chúng ta có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn và xây dựng Điện Biên. Tôi vẫn bảo với lớp con cháu mình như vậy…".
Với đại tá Lò Văn Sôn - nguyên Trung đội trưởng Trung đội 1, C221, D910, E148, có mặt tại chiến trường ĐBP từ năm 1953, trực tiếp tham gia chiến đấu và bẻ gãy "chiến dịch Hải Ly" của thực dân Pháp ở lòng chảo Điện Biên thì "Chiến thắng ĐBP là chiến thắng của tinh thần quả cảm của dân tộc anh hùng. Bên ta chỉ có nắm cơm chấm muối lót lòng buổi sáng, thân mình mảnh khảnh, vàng vọt bởi sốt rét, ốm đau, dao cùn, súng cũ mà xông lên với kẻ thù dũng mãnh lắm.
Chúng tôi từng phải đánh giáp lá cà với một lực lượng đông hơn và mạnh hơn hẳn về vũ khí, trang bị. Bên bờ sông Nậm Rốm này, nhiều đồng đội của tôi đã bắn đến viên đạn cuối cùng và rút dao găm xông vào huyết tử. Có đồng chí đã trúng tới 2-3 viên đạn vào chân nhưng vẫn nằm yên giả chết, đợi địch đến gần mới phục dậy đâm dao, tung lựu đạn hạ gục đối phương. Chính tinh thần ấy đã giúp đơn vị tôi đứng vững suốt chiến dịch và góp phần làm nên chiến thắng ĐBP".
Điện Biên đang thay đổi từng ngày
"Điện Biên đã thay đổi quá nhiều. Máu và nước mắt năm xưa nay đã thành niềm vui của cuộc sống. Trên những mảnh đất chúng tôi đã đi qua, đã mật phục, chiến đấu và hy sinh, nay là những thửa ruộng, nương vườn xanh lá, trĩu quả; là những con đường trải nhựa, nhà cao tầng, lớp học khang trang. Đấy là mục tiêu, là khát vọng của cuộc chiến oai hùng năm xưa" - đại tá Lò Văn Sôn bảo vậy.
Còn với ông Lò Văn Bóng thì: "Quê hương của tôi thay đổi rất nhiều rồi. Đời con, đời cháu chúng tôi đã có những khác biệt với cha, ông chúng nó. Ngày trước, mình thiếu cơm vài ba ngày là chuyện bình thường, đi bộ đến to cả bàn chân. Thỉnh thoảng được cán bộ tập hợp lại nói chuyện thời sự là cứ há hốc mồm ra nghe vì đói thông tin…
Nay thì cơm no, áo ấm, được học hành từ nhỏ, hiểu biết nhiều lắm. Nhà nghèo trong xã cũng chẳng lo đói cơm, thất học vì đã có Nhà nước hỗ trợ. Nhưng mình phải lo giáo dục cháu con về đạo đức cách mạng, về nhân cách con người thì chúng mới biết ơn quá khứ, biết phát triển đúng hướng cho bản thân và xã hội.
Ông Nguyễn Đức Đuyện - Phó Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Năm 2011, thành phố đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế tới 19,4%; số hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 1,89%. Chúng tôi đã xác định các mục tiêu cơ bản đến năm 2015, phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại 2 trực thuộc tỉnh Điện Biên; tăng trưởng kinh tế bình quân phải đạt từ 16%/năm, phấn đấu chỉ còn 0,5% hộ nghèo…
Kiều Thiện