Cuối tháng 4 vừa qua, Tòa án Tối cao Philippines đã quyết định bán 4.300ha trong tổng số gần 5.000ha đất của đồn điền trồng mía Hacienda Luisita cho 6.296 nông dân đang làm thuê trên chính mảnh đất này.
Quyết định này xuất phát từ chương trình cải cách đất đai do chính mẹ Tổng thống Benigno Aquino là cựu Tổng thống Corzon Aquino đưa ra vào thập niên 1980. Lúc đó, bà Corzon Aquino muốn giành lại quyền lợi cho người nông dân sau nhiều thập niên bị giới địa chủ giàu có đè nén. Nhưng kế hoạch cải tổ của bà thất bại do vấp phải phản ứng quá dữ dội của giới địa chủ, trong đó có chính người nhà của bà.
Nông dân ở đồn điền Hacienda Luisita biểu tình đòi đất tháng 11.2011. |
Được biết, trong thỏa thuận giữa nông dân và chủ điền, gia đình ông Aquino đã hứa sẽ chia đất cho nông dân sau 10 năm làm việc. Nhưng hàng chục năm sau, gia đình ông Aquino cũng chưa thực hiện chính sách cải cách ruộng đất, khiến hàng nghìn nông dân không có đất mà phải tiếp tục làm thuê cho gia đình ông Aquino.
Trong luật cải tổ đất đai có một điều khoản cho phép các địa chủ giữ đất, nhưng phải chia cổ phiếu cho nông dân đang làm thuê trên mảnh đất đó. Tuy nhiên, vào năm ngoái, Tòa án Tối cao Philippines đã bác bỏ điều khoản này do nó chẳng đem lại một sự cải thiện nào đối với đời sống của nông dân làm thuê. Giới địa chủ Philippines đã lợi dụng nhiều kẽ hở luật pháp để cố bám lấy những thửa đất khổng lồ của họ trong khi nông dân không có đất cứ tiếp tục phải đi làm thuê.
Hiện nay, Philippines đang theo đuổi xã hội dân chủ, nông dân chiếm 50% dân số nước này, vì thế, các chính khách đã bắt đầu quan tâm tới đời sống của nông dân trong nước. Tại phiên xử ngày 24.4 vừa qua, hàng ngàn nông dân làm việc ở đồn điền Hacienda Luisita cũng đã lặn lội cả 100km từ tỉnh Tarlac tới thành phố Baguio để nghe phán quyết.
Ông Felix Nacpil - Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Alyansa nhận định, đây là một chiến thắng lớn lao của nông dân và là một cột mốc lớn trong nỗ lực cải cách đất đai nhiều năm qua.
Hạ Anh