Dù đã nghỉ hưu (năm 2008), nhưng với tôi cũng như nhiều đồng nghiệp ở Báo NTNN thì cô Mai Nhung vẫn luôn mãi là người giữ lửa.
Khi tôi rời trường đại học và bước chân vào làm phóng viên tập sự tại Báo NTNN, cô đã là một nữ Tổng Biên tập có tiếng trong làng báo, bởi giữa những vị đồng chức oai phong hét ra lửa ấy, cô như "hoa giữa rừng gươm", vừa duyên dáng, vừa dịu dàng, nhưng khi cần thì cũng quyết liệt không kém gì các đấng mày râu.
Tờ NTNN hồi cuối những năm 1990, đầu những năm 2000 ấy, cô đã quy tụ được nhiều cây bút chính luận hàng đầu trong làng báo chí như Lê Thọ Bình, Huy Đức, Huỳnh Kim Sánh... và hàng loạt bài viết gây chú ý dư luận.
Nguyên TBT Võ Mai Nhung (phải) trao đổi với TBT Lưu Quang Định. |
Ngày đầu tiên đến báo, tôi cứ tò mò muốn được biết mặt cô, để hình dung vị tổng chỉ huy của những cây bút "có sừng có mỏ" ấy trông sẽ thế nào, và tôi bất ngờ vô cùng khi gặp một người phụ nữ thanh lịch và rất nữ tính trong chiếc váy hoa. Ở gần với cô lâu lâu, tôi mới hiểu cô điều hành công việc của tòa soạn theo lối riêng, đó là thế mạnh của một sợi lạt mềm buộc chặt, của làn nước tĩnh lặng phía trên để che giấu sức chảy có thể khiến cho đá tảng phải mòn đi ngay dưới chân mình.
Cô thường rất ít khi nói về mình, nhưng thông qua bạn bè, đồng nghiệp, và cả những người tôi đã gặp trong quá trình làm báo, bức chân dung về cô cứ mỗi ngày một rõ dần lên. Mấy lần đến phỏng vấn nhà văn Chu Lai, nhà văn Nguyễn Trí Huân, các ông đều dành cho cô những lời ngợi khen rất thành thực.
Nhà văn Chu Lai cứ nhắc mãi cái ký ức rất... Chu Lai của ông: "Lúc nào tôi cũng thấy hình ảnh của Mai Nhung ngày xưa, khi còn là một nhân viên đánh máy ở Hội Văn nghệ Liên Khu 5, tóc tết bím hai bên, đôi mắt tròn đen lay láy. Với một người lính vào sinh ra tử giữa bom đạn chiến trường không biết ngày mai chết sống ra sao, mang theo hình ảnh người con gái xinh xẻo ấy thật là một món quà quý hơn vàng".
Còn nhà văn Nguyễn Trí Huân thì điềm đạm hơn. Ông bảo: "Mai Nhung là một Tổng Biên tập đáng nể của làng báo, từ một cô nhân viên đánh máy đơn thuần, cô ấy tự học hành, rèn luyện và đã tự vươn lên để không thua kém bất cứ một ai trong nghề. Trong tôi, lúc nào Mai Nhung cũng là một người em gái đáng trân trọng".
Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi sẽ nhớ mãi bài học này, dù đã hơn 10 năm trôi qua nhưng giờ nhắc lại chắc cô vẫn còn nhớ. Ấy là khi tôi còn là một cây bút non nớt mới vào nghề, tác nghiệp theo kiểu thấy gì viết nấy.
Một hôm, trở về tòa soạn vào buổi trưa muộn, mấy anh chị trong phòng bảo tôi: "Tổng Biên tập đang tìm em để xạc cho một trận đấy, bài viết hôm nay có vấn đề gì ấy, chuẩn bị tinh thần mà đón bão đi". Tôi hốt hoảng đọc lại bài viết của mình trên số báo ra ngày hôm ấy, đó là một bài ghi nhận không khí chuẩn bị cho lễ Giỗ tổ Hùng Vương trên Phú Thọ, đọc đi đọc lại cũng không nhận ra lỗi ở đâu, không hiểu sao cô lại nổi giận.
Tôi rón rén vào phòng cô, thầm chuẩn bị tinh thần để lĩnh "hỏa tiễn", nhưng may sao, cô đã nguôi bớt phần nào nỗi bực bội từ sáng. Cô nhẹ nhàng bảo tôi: "Cháu đọc lại đoạn cô gạch chân này đi, sáng nay cô cảm thấy giận cháu vô cùng".
Tôi dán mắt vào đọc, thì ra đó là đoạn tôi dẫn lời một quan chức của tỉnh Phú Thọ nói rằng để đảm bảo tính thẩm mỹ của khu vực lễ hội, chính quyền địa phương đã tổ chức thu gom những người ăn xin, ăn mày từ mấy ngày trước.
Tôi phân bua: "Cô ơi, người ta nói thế nào thì cháu viết lại như thế". Cô nghiêm mặt bảo tôi: "Cho dù đó là lời nói của nhân vật, nhưng khi đưa vào bài, mình không thể để nguyên những câu chữ thiếu nhân văn như thế, tại sao cháu lại có thể viết: "Thu gom người ăn xin ăn mày", những chi tiết như thế có thể bỏ đi cũng được, hoặc phải có một cách thể hiện nào đó nhân bản hơn". Tôi cảm thấy mình lớn hơn rất nhiều trong nghề nghiệp từ sự kỹ càng cẩn trọng ấy của cô.
Suốt những năm tháng tại chức trước khi về nghỉ hưu, cô liên tục có mặt ở tòa soạn với vai trò một người giữ lửa. Từng tuyến đề tài nóng bảo vệ quyền lợi cho người nông dân "thấp cổ bé họng" đều có bàn tay của cô, cách sắp xếp, trình bày từng trang báo sao cho hấp dẫn cũng là một nỗi trở trăn của cô, từng tít bài giật chưa hay, thiếu sắc sảo cũng khiến cô nhắc hoài, nhắc mãi trong các buổi họp.
Cô yêu cầu cánh "lính trẻ" chúng tôi phải cố gắng hơn rất nhiều để theo kịp các anh chị đi trước. Lúc nào cô cũng đau đáu một điều: "Làm sao để NTNN là tờ báo thân thiết của nhà nông nhưng cũng phải được các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học xem trọng". Từ khi cô rời vị trí, những người tiếp nối cũng vẫn đang cố gắng để NTNN mãi luôn có được điều đó.
Trong 28 tuổi đời của tờ báo NTNN, cô Nhung đóng góp một phần không nhỏ, từ một phóng viên, rồi trưởng thành để trở thành một người đứng ở vị trí "cầm cương", giữ lửa. Không thể không nói rằng Báo NTNN là tâm huyết một đời làm báo của cô, và cô, cũng chính là một nguồn cảm hứng để chúng tôi - những thế hệ tiếp sau này miệt mài với tờ báo.
Nhà văn Nguyễn Quang Thân: NTNN có hồn người đậm đà
Có lẽ vì là báo của Hội Nông dân chứ không phải của một cơ quan nhà nước nên NTNN có cái hồn người đậm đà. Đành rằng nông dân cần rất nhiều thứ báo chí đưa lại như kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, luật pháp về đất đai, sản xuất... Nhưng điều người nông dân cần nhất, cần hơn hết thảy là "cái hồn nông dân". Đó là nếp nhà, là thuần phong mỹ tục cha ông để lại trong làng quê thân thiết, là nền văn hóa hình thành nhiều đời từ mồ hôi nước mắt và cả xương máu người nông dân
. Nói NTNN có cái hồn đậm đà ấy không có nghĩa là nó đã đạt sự viên mãn trong nhiệm vụ một tờ báo gần như duy nhất của người nông dân. Nhiệm vụ ấy còn nặng nề, mục tiêu còn ở phía xa. Nhưng NTNN đã chú ý, đã muốn làm, đã nhận ra mình phải làm việc ấy và đó là một khích lệ lớn đối với người viết báo cũng như người đọc báo quan tâm đến cái gốc, cái nôi của dân tộc: Nông thôn!
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Hãy "nóng" hơn nữa!
Từ khi NTNN thay đổi măng sét trong khoảng 2 năm trở lại đây, tôi thấy tờ báo hiện đại, sáng sủa hơn, dễ đọc hơn. Tôi đọc báo thấy có nhiều bài phóng sự rất hay, có nhiều vụ việc đã được làm tới cùng, làm rất rành mạch như vụ việc của Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, vụ ông Đoàn Văn Vươn...
Tôi mong báo ngày càng phát huy được những tuyến bài như thế và giữ được phong độ. Nhưng NTNN cần phải "nóng" nhiều hơn nữa, vì những vấn đề "tam nông" hiện đang trở thành tâm điểm của đời sống xã hội. Là cơ quan ngôn luận của Hội Nông dân, báo cần cố gắng đề cập nhiều hơn về mảng nội dung đó. Bên cạnh đó, mảng văn hóa -xã hội cũng cần chú ý nhiều hơn đến các vấn đề của nông thôn hôm nay...
Ngọc Anh