Chính vì yếu tố chưa từng có này mà theo bác sĩ Babatunde Olowokure - thuộc phái đoàn của WHO vừa được mời giúp Việt Nam - việc xác định nguyên nhân gây bệnh có thể mất nhiều thời gian hơn dự đoán và trong một số trường hợp có thể không xác định được nguyên nhân.
Hiện nay, nguyên nhân gây Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân vẫn chưa được xác định, các cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành.
Số người chết do bệnh viêm da lạ ở xã Ba Điền, huyện miền núi Ba Tơ ngày càng gia tăng khiến người dân sợ hãi, lo lắng |
Như vậy, sau hơn một năm bùng phát bệnh viêm da lạ khiến 23 người tử vong ở huyện miền núi Ba Tơ, Quảng Ngãi, Bộ Y tế đã mời các chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) giúp đỡ.
Từ cuối năm 2011 đến nay, Bộ Y tế đã cử nhiều đoàn công tác gồm nhiều chuyên gia y tế đầu ngành trong nước về Quảng Ngãi để khảo sát thực địa, lấy mẫu: máu, tóc, đất, nước, côn trùng..., truy tìm nguyên nhân. Bước đầu, Bộ nhận định bệnh viêm da lạ là do nhiễm độc mãn tính nhưng chưa xác định được độc tố gì. Trong các xét nghiệm Bộ Y tế đã phát hiện độc tố Aflatoxin trong gạo ủ của người dân và asen trong máu bệnh nhi tử vong vì hội chứng.
Theo Bộ, hiện nay quan trọng nhất vẫn là truyền thông giúp người dân thay đổi tập quán sinh hoạt; đồng thời triển khai các biện pháp can thiệp nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh, giám sát sự tái phát của bệnh để đưa ra những biện pháp kiểm soát thích hợp.
Dự kiến, ngày 13.6 tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cử đoàn công tác gồm 25 chuyên gia, bác sĩ về xã Ba Điền, huyện miền núi Ba Tơ tiến hành khảo sát thực trạng chẩn đoán, điều trị và hội chẩn ca bệnh.
Theo thống kê của Trung tâm y tế huyện Ba Tơ, đến nay số người mắc bệnh viêm da lạ khoảng 240 người, trong đó 43 trường hợp tái phát và 23 trường hợp tử vong.
Trước đó, ngày 7.6, tại TP Đà Nẵng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội thảo chẩn đoán và điều trị bệnh viêm da lạ ở huyện miền núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi thu hút gần 100 chuyên gia y tế. Hầu hết chuyên gia nhận định, người dân mắc bệnh viêm da lạ ở Quảng Ngãi là do nhiễm độc và thống nhất đề xuất đưa dioxin vào yếu tố nghi vấn để nghiên cứu.