Tuy nhiên, trên thế giới, loại đường trong cỏ ngọt được trích tinh ra để dùng ăn kiêng cho người bệnh đái tháo đường hoặc thừa cân chứ không phải để chữa bệnh
Dùng cho… chắc ăn?
Anh Nguyễn Văn Bảy (ngụ quận 10 - TPHCM) cho biết anh đọc trên mạng thấy cây cỏ ngọt có thể giúp hạ huyết áp, giảm cholesterol nên đã đến khu Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) để mua thử. “Vì công việc thường phải uống rượu bia với khách hàng nên tôi sợ sẽ bị cao huyết áp và cholesterol cao. Tôi đang cố gắng uống thường xuyên trà cây cỏ ngọt cho chắc ăn” - anh Bảy cho hay.
Mua thảo dược tại một nhà thuốc trên đường Hải Thượng Lãn Ông (TP.HCM). Ảnh chỉ mang tính minh họa. |
Dạo quanh các khu chợ dược liệu ở đường Hải Thượng Lãn Ông, Triệu Quang Phục, Lương Nhữ Học, Phùng Hưng (quận 5), người mua dễ dàng tìm thấy nhiều loại trà cây cỏ ngọt sản xuất ở dạng trà túi lọc.
Theo giới thiệu của những người bán hàng, loại trà này là thức uống giải khát giúp lợi tiểu, an thần, hạ huyết áp, giảm cholesterol, đặc biệt dùng tốt cho những người béo phì, đái tháo đường. Một người bán hàng ở góc đường Hải Thượng Lãn Ông và Triệu Quang Phục cho biết chỉ có loại trà túi lọc chứ không có bán dạng lá tươi hay khô.
Thông tin chưa thống nhất
Dược sĩ - lương y Bàng Cẩm, Hội Đông y quận Tân Phú, cho biết trong thiên nhiên có nhiều loại cây cỏ khá đặc biệt vì chứa đường năng lượng thấp với độ ngọt cao gấp hàng trăm lần đường mía nên được dùng để thay thế đường cho những người phải kiêng ngọt. Cỏ ngọt (còn gọi là cỏ mật, cỏ đường, cúc ngọt, trạch lan) là một trong số các loại cây như vậy. Loại cây này được nhập và trồng nhiều ở Hà Giang, Cao Bằng, Hà Tây, Lâm Đồng...
Lương y Cẩm cho biết thêm là cỏ ngọt được dùng chế biến trà dành cho người bị bệnh đái tháo đường, béo phì hoặc cao huyết áp. Trong công nghiệp thực phẩm, cỏ ngọt được dùng để pha chế làm tăng độ ngọt mà không làm tăng năng lượng của thực phẩm. Loại cây này cũng được dùng trong chế biến sữa làm mượt tóc, kem làm mềm da.
Theo ThS-BS Đào Thị Yến Phi, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, các thông tin về cây cỏ ngọt hiện vẫn chưa thống nhất và chưa có khuyến cáo nào của các tổ chức quản lý dược phẩm hay thực phẩm trên thế giới.
Cho đến nay, thông tin khoa học về cây cỏ ngọt chỉ là chuyện chất tạo ngọt không phải gốc đường (không chứa glucose) nên có thể sử dụng cho những người không được ăn đường (như người đái tháo đường, béo phì...) để thay thế đường thông thường nhưng chưa rõ liều lượng sử dụng bao nhiêu là vừa phải và ngoài chất tạo ngọt thì trong cây còn chất có dược tính khác nữa hay không. Trên thế giới, loại đường trong cây cỏ ngọt được trích tinh ra để dùng ăn kiêng cho người bệnh đái tháo đường và người thừa cân chứ không phải để chữa bệnh.
Không quá tin tưởng
ThS-BS Đào Thị Yến Phi khuyên trước khi có những khuyến cáo chính thức của FDA hay Bộ Y tế, tốt nhất là không quá tin tưởng vào tác dụng trị bệnh của cây cỏ ngọt.
Nếu đang bị bệnh, chỉ vì tin vào tác dụng thần kỳ của cây cỏ ngọt mà bỏ điều trị chính thức thì không nên. Bởi lẽ, ngay cả khi loại cỏ này không có độc tính thì cũng chưa hẳn an toàn cho người bệnh vì bệnh có thể trở nặng hoặc xảy ra biến chứng do không được chữa trị và theo dõi phù hợp.