Dân Việt

Vụ bắt bé 5 tuổi bê thùng cơm: Có bị coi là lạm dụng sức lao động?

27/03/2013 13:24 GMT+7
"Vụ việc này rất khó xác định rằng có lạm dụng sức lao động trẻ em hay không. Lạm dụng sức lao động trẻ em mang tính chất lợi nhuận rất định", bà Ninh Thị Hồng, Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nói.

"Trong vụ việc này, nếu cô Hiệu phó - quyền Hiệu trưởng tiếp tục không đối diện với dư luận cần đề nghị Phòng Giáo dục quận Hai Bà Trưng trả lời: Trường mầm non Lê Quý Đôn liệu có phải là môi trường giáo dục lành mạnh hay không" - bà Ninh Thị Hồng, Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Như đã đưa tin, tại Trường mầm non Lê Quý Đôn, một số em lớp mẫu giáo lớn phải nhiều lượt khiêng những thùng bằng inox để đựng cơm, canh và xoong thức ăn từ trên tầng 4 xuống tầng 1 (khi thì thùng rỗng, khi thì có đồ ăn thừa bên trong khá nặng). Ngày 26.3, phóng viên đã có cuộc trò chuyện cùng bà Ninh Thị Hồng - Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam về vụ việc này.

img
Bà Ninh Thị Hồng - Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Là người nhiều năm gắn bó với trẻ em, quan điểm của bà như thế nào về sự việc nêu trên?

-  Tôi đã theo dõi những bài viết, xem video clip và đọc rất nhiều bình luận của bạn đọc. Quan điểm của Hội Bảo vệ Quyền trẻ em là không ủng hộ việc này.

Trong một bữa ăn, cô giáo có thể phân công cho các em tại lớp chia bát cho các bạn, hoặc cô giáo hướng dẫn rằng, ăn xong tất cả các em phải đứng lên, cầm bát đến chỗ rửa bát, hoặc lau bàn. Còn sự việc như xảy ra trong clip, khi không có người lớn mà chỉ có 2 em nhỏ 5 tuổi đi xuống cầu thang bê những chiếc thùng nhôm to như vậy là không được phép.

Từ clip có thể thấy rằng, cầu thang 4 tầng rất cao, các em có thể vấp ngã, làm đổ thức ăn, gây ra những va chạm đáng tiếc. Thêm nữa, đây là lao động quá sức của các em. Nhà trường dù có ngụy biện gì đi chăng nữa thì với clip xác thực này cô Hiệu phó (bà Phạm Thúy Khanh - pv) cũng không thể chối cãi được. Trước đó, thái độ của cô Hiệu phó sau khi nhận được thông tin phản ánh có khẳng định: Tuyệt đối không có sự việc này xảy ra, nhà trường có kiểm tra thường xuyên. Vậy, bây giờ khi đã có clip thì nhà trường sẽ nói gì?

Thêm nữa, các cháu trong clip đã 5 tuổi, có thể trực tiếp hỏi về sự việc này. (Lời các cháu: "Thùng rất nặng và rất mệt")

Từ sự việc cụ thể này, bà nghĩ gì về "bệnh" gian dối trong giáo dục?

- Ngành giáo dục là môi trường sư phạm, cần biết cái gì đúng, cái gì sai. Nói dối các em và hướng dẫn trẻ em nói dối là phương pháp phản giáo dục. Trẻ em sẽ rất ngỡ ngàng khi cháu không hiểu sẽ có chuyện gì xảy ra? Giáo dục cần tránh ngụy biện, tránh nói dối, tránh nói không thành có.

Con người không thể toàn diện, sẽ có những việc làm sơ suất. Nhưng quan trọng là phải biết nhận lỗi. Nếu nhà trường công nhận việc này là do sơ suất, sẽ rút kinh nghiệm, không để tình trạng này xảy ra thì đó mới là một nền giáo dục tốt.

Đối với trẻ mầm non, việc rèn luyện thể chất, lao động nên như thế nào là hợp lý?

- Trẻ em rất cần lao động, nhưng lao động có hướng dẫn, có giáo dục khác với việc đi làm thay và sai vặt. Đối với trẻ em trong mẫu giáo lớn của trường mầm non việc bắt đầu giáo dục các em như thế nào là lao động phụ giúp gia đình, lao động công ích, lao động để giúp phần nhỏ bé vào cuộc sống là cần thiết. Không phải trẻ em không biết làm gì là điều tốt.

Các cô giáo mầm non cần cho học sinh biết là tùy theo sức của mình, sẽ làm được những việc gì, việc làm có lợi ích như thế nào đối với gia đình, cô giáo, cộng đồng. Ví dụ, cô giáo có thể hướng dẫn trẻ trông em như dỗ em nín, gọi mẹ, giúp mẹ lấy đồ dùng. Đó là những lao động rất nhỏ nhưng là giúp giáo dục tình cảm, ý thức cho các em.

Việt Nam là nước nông nghiệp nên trẻ em ở nông thôn có thể giúp ông bà những việc rất nhỏ. Ví dụ chúng ta có những bài hát rất hay như: “Một sợi rơm vàng là hai sợi vàng rơm. Bà bện chổi to, bà làm chổi nhỏ. Chổi to bà quét sân kho, ấy còn chổi nhỏ để dành bé chăm lo quét nhà”. Sự định hướng các em vào việc vừa phải, nhẹ nhàng, biết lao động là cần thiết.

Theo bà, cần phải làm gì để nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong việc bảo vệ Quyền trẻ em?

- Bảo vệ quyền trẻ em cần trách nhiệm của nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Đối với phụ huynh của trường, khi biết thông tin xảy ra cần có ý kiến góp ý để phát huy cái tốt, loại bỏ cái xấu. Đối với các cấp quản lý như Phòng giáo dục, Hiệu trưởng nhà trường, Hội phụ huynh học sinh cần trao đổi về vấn đề này. Trong các trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì phải lên án, có hình thức xử lý để trẻ em được sống trong một môi trường lành mạnh.

Vụ việc trên liệu có bị quy vào việc lạm dụng sức lao động trẻ em không, thưa bà?

- Vụ việc này rất khó xác định rằng có lạm dụng sức lao động trẻ em hay không. Lạm dụng sức lao động trẻ em mang tính chất lợi nhuận rất định. Trong trường hợp Trường mầm non Lê Quý Đôn là hình thức sai vặt, cho các em làm những việc không đúng trách nhiệm, những việc sai trái.

Trong vụ việc trường mầm non Lê Quý Đôn, cô Hiệu phó phải nhìn nhận vào sự thực tế vụ việc đã diễn ra, kiểm điểm cô giáo trực tiếp đứng lớp, gặp gỡ phụ huynh để nhận lỗi, xin lỗi và cam đoan sự việc sẽ không xảy ra tiếp theo. Như vậy chúng ta mới có một môi trường giáo dục tốt, đáng tin tưởng.

Mặt khác, nếu cô Hiệu phó tiếp tục không đối diện với dư luận cần đề nghị Phòng Giáo dục quận Hai Bà Trưng trả lời: Trường mầm non Lê Quý Đôn liệu có phải là môi trường giáo dục lành mạnh hay không?

Theo Giáo Dục Việt Nam