“Tưởng đứt là vứt đi”
Bệnh nhi may mắn ấy là cháu Nguyễn Văn Dân (3 tuổi, ở Tiền Hải, Thái Bình). Anh Nguyễn Văn Chiến – bố cháu bé cho biết, do bố mẹ đi làm ăn xa nên cháu Dân được gửi cho ông bà nội. Ông bà sống ở trên thuyền, sợ cháu bị rơi xuống sông nên buộc chân cháu vào mạn thuyền bằng một sợi dây dù. Hôm đó, một đầu dây thõng xuống nước bị quấn vào máy, kéo căng sợi dây dù và tiện đứt bàn chân phải của cháu ngay khớp cổ chân.
Bác sĩ Giang đang khám cho bệnh nhân Nguyễn Văn Dân. |
Cháu bé được đưa lên bệnh viện tuyến huyện rồi tuyến tỉnh và chuyển lên Bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Đáng lưu ý, ngay khi cháu bị tai nạn, ông nội cháu đau xót đã vứt bàn chân xuống sông. Khi được bác sĩ cho biết “có thể nối lại chân cho cháu”, người nhà mới thuê người mò bàn chân của cháu lên sau 1 giờ bị ngâm dưới nước và đưa chân “đuổi theo” cháu bé lên Bệnh viện Việt Đức.
Tuy đã 10 tiếng sau tai nạn nhưng bàn chân cháu vẫn được các bác sĩ nối ghép thành công. Bác sĩ Đào Văn Giang (Khoa Phẫu thuật hàm mặt tạo hình) cho biết, việc nối chân cho cháu Dân khá vất vả vì các động mạch, tĩnh mạch của cháu rất nhỏ, chỉ bằng 1/5 của người lớn, tuy nhiên, các bác sĩ đã dùng kính hiển vi phẫu thuật thành công.
Sau gần hai tuần, chân của cháu Dân đã có các dấu hiệu hồng ấm của sự sống. “Do bàn chân của cháu bị đứt ngang khớp, không phải cắt các phần xương gãy dập nên khả năng phục hồi và đi lại sẽ rất khả quan” – bác sĩ Giang cho biết.
Gần đây nhất, Khoa Phẫu thuật hàm mặt tạo hình cũng đã nối liền hai bàn tay đứt rời cho bệnh nhân N.V.Đ (18 tuổi, trú tại Đông Anh, Hà Nội). Theo lời kể, khi đưa giấy vào máy cắt, anh Đ vô tình ấn nút điều khiển, khiến lưỡi cưa sập xuống, cắt đứt nửa bàn tay trái và cả bàn tay phải. Suốt từ 18 giờ ngày hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau, các bác sĩ đã vất vả nối từng ngón tay trái và cả bàn tay phải cho anh Đ. Và chỉ chiều cùng ngày, hai tay đã có dấu hiệu sống lại.
Sai lầm khi xử lý
Có rất nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết, cho rằng không thể cứu được các bộ phận cơ thể nên vứt vào thùng rác, vứt xuống sông, mang đi chôn, đến khi tìm lại thì đã muộn. Bác sĩ Giang cho biết, có trường hợp bệnh nhân bị đứt tai, người nhà vứt vào thùng rác, khi các bác sĩ yêu cầu lấy lại để nối ghép thì mới đi bới rác để tìm.
Do bị lẫn trong rác, cái tai đã bị nhiễm trùng, không sống lại được nữa. Lại có trường hợp thả thẳng các ngón tay vào thùng đá để bảo quản, do các ngón tay tiếp xúc trực tiếp với đá nên bị bỏng lạnh, da và các mạch máu cũng bị hỏng…
Theo bác sĩ Giang, ngoài bàn tay, bàn chân, các ngón chân, tay, BV Việt Đức đã xử lý thành công nhiều tai nạn đứt rời khác như tai, mũi, dương vật, môi… với tỷ lệ thành công trên 80%. Điều này giúp nhiều bệnh nhân tránh được thương tật vĩnh viễn và trả lại thẩm mỹ cho cơ thể.
Tuy nhiên, sự thành công của các ca nối ghép này phụ thuộc nhiều vào công đoạn bảo quản các bộ phận đứt rời. Vì vậy, người dân cần hết sức lưu ý bảo quản các bộ phận cơ thể đứt rời để có thể được cấp cứu kịp thời.
Diệu Linh