Dân Việt

Quy định rõ hơn thẩm quyền của bộ trưởng

28/03/2013 06:35 GMT+7
(Dân Việt) - Nhiều ý kiến đề nghị dự thảo cần quy định cụ thể hơn thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và nhiệm vụ của bộ, cơ quan ngang bộ trong thực thi nhiệm vụ được phân công, phân cấp.

Tại Hà Nội, Bộ Nội vụ vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Dự thảo chưa có sự rõ ràng giữa "bộ" và "bộ trưởng"; giữa nhận thức chung về "bộ" và "tập thể lãnh đạo bộ" với bộ trưởng; giữa bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan quản lý về ngành, lĩnh vực với bộ, từ đó dẫn đến trách nhiệm không rõ ràng, đặc biệt là khi xảy ra sai phạm cần phải xử lý. Vì vậy, các đại biểu đề nghị quy định tách bạch và làm rõ vai trò của bộ và bộ trưởng để phù hợp với các quy định khác của Hiến pháp.

* Ngày 26.3, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Liên quan đến nội dung quyền công dân trong việc tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin, các ý kiến nhấn mạnh hiện nay chưa có luật biểu tình, chưa có báo chí tư nhân, do đó cần quy định cụ thể hơn để nội dung Điều 26 được thể hiện trên thực tế mà không ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, lợi ích dân tộc và không để lạm dụng quyền tự do báo chí. Theo đó, cũng cần sửa đổi, bổ sung thêm nội dung "quyền tiếp cận thông tin" vào Điều 26 này để quy định được rõ ràng, đầy đủ.

* Tại buổi giao lưu trực tuyến của Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về Dự thảo Hiến pháp, nhiều bạn đọc ở các tỉnh Hải Dương, Thanh Hóa, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh có hỏi:

"Dự thảo Hiến pháp tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản tại Điều 4 và vấn đề này đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của các tầng lớp nhân dân. Xung quanh vấn đề này đang có những loại ý kiến nào?".

Trả lời vấn đề này, TS Lê Minh Thông - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng ban biên tập Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho rằng: Đa số các ý kiến đóng góp của nhân dân, các ngành, các cấp đều tán thành với nội dung của Điều 4 như đã thể hiện trong dự thảo.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị làm rõ hơn phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, cơ chế chịu trách nhiệm của Đảng và cơ chế để người dân giám sát hoạt động của Đảng.