Ngày 29.3 tới, Giải thưởng Phan Chu Trinh lần thứ VI sẽ được trao tại TP.HCM. Qua 6 năm tổ chức, giải thưởng đã khẳng định là một thước đo chuẩn mực cho những thành tựu văn hóa, giáo dục trong nước. GS Chu Hảo đã có cuộc trò chuyện với báo chí.
Thưa Giáo sư, trong danh sách những người được nhận giải lần này có một gương mặt rất trẻ là họa sĩ Vũ Đức Hiếu, được đánh giá là gương mặt trẻ nhất từ trước tới nay trong lịch sử Giải thưởng Phan Chu Trinh. Xin hỏi ấn tượng của Hội đồng xét giải về nhân vật này?
- Đúng là năm nay, họa sĩ Vũ Đức Hiếu là một gương mặt rất ấn tượng, bởi vì anh còn rất trẻ (sinh năm 1977), so với người cao tuổi nhất nhận giải là nhà nghiên cứu Lê Thành Khôi (sinh năm 1923) là một khoảng cách hơn một nửa thế kỷ. Tuy nhiên, Giải thưởng Phan Chu Trinh không câu nệ tuổi tác mà chỉ nhìn vào những đóng góp của người được trao giải với xã hội.
Họa sĩ Vũ Đức Hiếu tuy tuổi còn trẻ nhưng đã có mười mấy năm đeo đuổi, tận tâm tận lực với Bảo tàng Không gian văn hóa Mường tại Hòa Bình để mong muốn giữ lại cho người Mường những nét văn hóa đặc sắc của họ. Công việc đó làm xuất phát từ tình yêu văn hóa, không nhận được sự hỗ trợ kinh tế nào nhưng anh vẫn kiên gan đeo đuổi mục đích của mình. Giải thưởng Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục được trao cho họa sĩ Vũ Đức Hiếu để tôn vinh tinh thần ấy.
GS Chu Hảo |
Đã trải qua 6 năm trao giải, Hội đồng xét giải có chịu áp lực nào không, thưa Giáo sư?
- Tính cả năm nay, Giải thưởng Phan Chu Trinh có tất cả 6 lần trao giải và đã được xã hội thừa nhận là một giải thưởng có uy tín. Những người được nhận Giải thưởng Phan Chu Trinh, bằng tài năng, công sức và tâm huyết của họ đã chứng minh họ hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh. Tuy nhiên, chính điều đó lại tạo nên áp lực cho Hội đồng xét giải. Chúng tôi phải thảo luận kỹ càng hơn, tranh luận nhiều hơn để tìm ra những gương mặt xứng đáng và đáp ứng được lòng mong mỏi của công chúng.
Có ý kiến băn khoăn rằng với quy chế xét giải như hiện nay, tức là chỉ có các thành viên của Hội đồng xét giải và những người từng được giải trước đó mới có quyền đề cử ứng cử viên thì điều này có làm hẹp cánh cửa của nhiều cá nhân đến với giải thưởng hay không?
- Chúng tôi cũng biết với cách làm việc như hiện nay, có thể số lượng người được giới thiệu xét giải sẽ bị hạn chế, tuy nhiên chúng tôi tự tin đã làm việc hết sức tận tâm, khoa học và công minh. Bất cứ đề cử nào khi đưa ra thảo luận mà không nhận được 100% số phiếu đồng thuận thì cũng không được đưa vào giải. Đã từng có những người rất có uy tín gọi điện đến đề xuất muốn được gặp gỡ, trao đổi rồi vận động để giới thiệu ai đó, công trình nào đó vào danh sách xét giải.
Hoặc có những học giả mang những công trình dày cộp đến xin ứng cử nhưng chúng tôi cũng buộc phải từ chối, bởi vì không có ai trong Hội đồng đứng ra giới thiệu và đề xuất phản biện cho họ. Còn về khía cạnh sợ thiếu các đề cử thì xin khẳng định là chúng tôi chưa từng phải lo lắng về chuyện không tìm ra người để trao.
Có một thực tế là cho dù giải đã trao nhiều năm, giá trị của giải đã được khẳng định, nhưng các công trình, các cuốn sách của những người được nhận giải lại chưa thực sự được lan tỏa rộng rãi, quỹ có cách nào để hỗ trợ cho các tác giả đoạt giải?
- Về những cuốn sách, những công trình nghiên cứu đã được quỹ lựa chọn để trao giải thì sau khi đoạt giải, phải thừa nhận là tình hình xuất bản cũng không khá hơn. Điều này cũng không quá khó hiểu, bởi đó là sự phản ánh sự xuống cấp thảm hại của nền văn hóa, giáo dục của chúng ta trong giai đoạn gần đây cùng với một nguyên nhân khách quan là suy thoái kinh tế. Các cuốn sách mặc dù được các tác giả dồn nhiều công phu, tâm huyết tuy nhiên số lượng xuất bản không quá 2.000 bản/90 triệu dân. Một thực tế đáng buồn là người quan tâm đến sách thì không có tiền, người thực sự có tiền thì quan tâm lắm đến sách.
Thưa Giáo sư, tại lễ trao giải lần thứ V, năm 2011, ông từng phát biểu rằng công việc vận động tài chính cho giải gặp rất nhiều khó khăn, sang đến năm nay, tình hình đó đã được cải thiện chưa?
- Một điều đáng buồn cần phải thừa nhận là năm nay tình trạng đó vẫn chưa được cải thiện. Vấn đề văn hóa Mạnh Thường Quân cho văn hóa, khoa học, giáo dục ở Việt Nam hiện nay không được như thời xưa mà đang mai một dần đi. Có rất nhiều Mạnh Thường Quân sẵn lòng tài trợ cho bóng đá hoặc các cuộc thi sắc đẹp, tuy nhiên, với Giải thưởng Phan Chu Trinh thì họ vẫn rất thờ ơ. Có thể vì họ thấy nếu tài trợ cho bóng đá hoặc một cuộc thi hoa hậu thì hình ảnh của họ có thể được quảng bá ngay lập tức, cái đó mình cũng không thể trách được.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, chúng tôi muốn hướng Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh thành một quỹ hoạt động chuyên nghiệp, có ban điều hành, hoạt động bài bản, vận động tài trợ và có thể có cách khiến tiền tài trợ đó sinh lời để đảm bảo ổn định tài chính cho giải thưởng.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Mai An (ghi)