Tuy nhiên, đa phần các ca ung thư đều được phát hiện muộn và mắc ung thư do lối sống và thói quen thiếu lành mạnh.
Bệnh trọng, phát hiện muộn
Trao đổi với NTNN, PGS-TS Trần Văn Thuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư cho biết, con số rất đáng báo động là số mắc mới mỗi năm là 150.000 người/năm thì số tử vong lên tới 75.000 người. Hiện có khoảng 240.000-250.000 người đang phải chung sống với bệnh ung thư. Dự báo tới năm 2020, Việt Nam có khoảng 200.000 trường hợp mới mắc và 100.000 trường hợp chết do ung thư.
Xạ trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện K T.Ư. |
Chỉ riêng tại Bệnh viện K, nếu năm 2007 mới có khoảng 2.500 ca ung thư vú thì năm 2011 đã là hơn 3.000 ca. Còn bệnh nhân đến khám nghi ung thư phổi thì năm 2007 là 2.200 ca, năm 2011 là 2.060 người. Điều tra dịch tễ ở Bệnh viện K thì bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới là: Phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng, thực quản, vòm họng; ở nữ giới: Vú, dạ dày, phổi, cổ tử cung, đại trực tràng, trẻ em là u não, hạch, máu, nhãn cầu…
Đáng nói, hầu hết các bệnh nhân này đều đến bệnh viện trong tình trạng u đã phát triển to, di căn ra nhiều bộ phận nên rất khó khăn trong việc điều trị hoặc tử vong.
Bà Trần Thị Lê (40 tuổi, Hoằng Hóa, Thanh Hóa)- bệnh nhân Bệnh viện K cho biết, bà bị đau bụng dưới khoảng 1 năm nay nhưng chỉ nghĩ do sắp mãn kinh nên cơ thể có nhiều biến đổi nên bà không đi khám, chỉ uống thuốc lá của thầy lang gần nhà. Đến lúc bụng trướng to, rong kinh dài ngày, bà mới đi khám thì được chẩn đoán bị ung thư tử cung, cần phải cắt bỏ, việc điều trị cũng rất tốn kém.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Nga - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến – Bệnh viện K cho biết: “65-70% các ca ung thư đến viện chẩn đoán đều đã chuyển sang giai đoạn 3 (giai đoạn di căn, điều trị tốn kém, khả năng tử vong cao).
Tuy nhiên, điều tra của Chương trình phòng chống ung thư quốc gia trên 12 tỉnh, thành cũng cho thấy, tỷ lệ người đân có hiểu biết cơ bản đúng về bệnh ung thư còn rất thấp, chỉ 35%. 67,2% số người được hỏi cho rằng ung thư là bệnh nan y việc phát hiện sớm hay muộn cũng chết.
Còn 35,8% cho rằng bị ung thư nếu đụng dao kéo vào sẽ di căn sớm và chóng chết. “Thực tế, nếu phát hiện sớm, nhiều bệnh ung thư có thể chữa khỏi đến 80%” – bà Nga cho biết.
Bị bệnh do lối sống
Theo ông Thuấn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh ung thư gia tăng, trong đó có đến 80% do lối sống tác động. Những người hút thuốc lá nhiều, thừa cân, ít vận động, ăn nhiều thịt, mỡ động vật, ăn nhiều thức ăn có chất bảo quản sẽ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn.
Chỉ riêng khói thuốc đã chiếm đến 30% trong tổng số các nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư. Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác như làm việc trong môi trường độc hại, tuổi thọ tăng cao. Hơn nữa, do người dân ngày càng có cảnh giác với bệnh ung thư nên đi khám nhiều hơn, máy móc hiện đại hơn nên tỷ lệ phát hiện bệnh cao hơn.
Bác sĩ Trần Xuân Bách (Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư) cho biết, hiện nay, số người mắc bệnh ung thư khoang miệng đang gia tăng. Chưa có các nghiên cứu về nguyên nhân trực tiếp nhưng việc nghiện thuốc lá, lạm dụng bia rượu là yếu tố có liên quan đến bệnh. Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác như ăn trầu, ăn nhiều cà, dưa muối, cá muối hoặc quan hệ tình dục đường miệng…
Theo tính toán ban đầu của Chương trình phòng chống ung thư quốc gia, mỗi năm Việt Nam chi khoảng 143 tỷ đồng điều trị cho các bệnh nhân mắc căn bệnh này. Trung bình chi phí cho một bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá là 13,6 triệu đồng/năm, đấy là chưa kể các chi phí cá nhân khác.
Để hạn chế ung thư, Chiến lược phòng chống ung thư quốc gia đến năm 2020 đã xây dựng các giải pháp phối hợp hài hòa việc phòng bệnh phát hiện sớm, điều trị và chăm sóc giảm nhẹ nâng cao chất lượng sống cho người bệnh với nguồn lực hiện có. Chiến lược đã đưa nội dung dự phòng lên hàng đầu, nhằm tuyên truyền cho người dân lối sống lành mạnh, hạn chế bia rượu và hút thuốc, năng tập thể dục, tiêm phòng bệnh viêm gan B và nhiễm virus u nhú (ở phụ nữ)… có thể giúp người dân phòng ngừa 30% ca mắc bệnh ung thư và 40% ca tử vong do ung thư.
Một số mục tiêu cụ thể trong Chiến lược phòng chống ung thư tại Việt Nam đến năm 2020:
- 70% người dân trong cộng đồng có hiểu biết đúng về bệnh ung thư.
- 100% cán bộ y tế hoạt động trong phạm vi dự án được đào tạo về biện pháp phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân ung thư.
- Tổ chức sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú, cổ tử cung, khoang miệng, đại trực tràng góp phần giảm từ 10-15% bệnh nhân ung thư được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn muộn, tăng cường hoạt động chăm sóc giảm nhẹ.
- Tăng cường hệ thống giám sát, quản lý bệnh ung thư.
Tuấn Kiệt