Đây là kiến của TS Nguyễn Quang Dũng (Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp) nêu ra trong đề tài "Nghiên cứu chính sách và giải pháp phát triển làng nghề ở Việt Nam". Ông cho biết: “Năm 2010, Bộ NNPTNT đặt hàng cho chúng tôi thực hiện đề tài này. Sau 2 năm khảo sát thực tế tại tất cả các vùng trong cả nước, mỗi vùng chọn ra 2-4 tỉnh để nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy, làng nghề Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, có thể thu hút hàng triệu lao động làm việc”.
Làng nghề tạc tượng Võ Lăng (xã Dân Hoà, huyện Thanh Oai, Hà Nội). |
Nhóm nghiên cứu nhìn nhận thế nào về bức tranh làng nghề (LN) của Việt Nam hiện nay?
- Theo điều tra của chúng tôi, cả nước hiện có 2.017 LN, phân bố không đồng đều, tập trung nhiều ở các tỉnh phía Bắc. Thực tế nghiên cứu cho thấy, mức thu nhập của những người chuyên nghề, kiêm nghề ở các LN thường cao hơn 3- 4 lần so với người làm nông nghiệp thuần túy.
Đời sống người dân LN cao hơn, nên bộ mặt nông thôn ở các LN cũng phát triển hơn. Tỷ lệ hộ nghèo ở LN trung bình chỉ 3-4%; trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 9-10%. Tuy nhiên, LN hiện nay chưa phát huy hết tiềm năng, đứng trước rất nhiều thách thức như công nghệ sản xuất còn lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa cao, vùng nguyên liệu, đầu ra cho sản phẩm, ô nhiễm môi trường...
Qua nghiên cứu, ông đánh giá như thế nào về các chính sách dành cho LN hiện nay?
- Từ nhiều năm nay, Nhà nước đã có chính sách đối với khu vực nông thôn và LN. Tuy nhiên, tác động của các cơ chế chính sách này đối với LN vẫn chưa được như mong muốn.
Chẳng hạn, một thời gian dài, chúng ta đã chạy theo mục đích kinh tế mà bỏ quên đi vấn đề môi trường. Nguyên nhân là do chúng ta chưa có các quy định về xả thải ở các LN, chưa có chế tài xử phạt, chưa thu phí môi trường ở các LN.
Một điểm nữa là công tác quản lý ở LN hiện nay còn chồng chéo, thiếu một ngành được phân công làm "đầu mối". Ở các địa phương, một số tỉnh giao cho Sở NNPTNT, có tỉnh lại giao cho Sở Công Thương quản lý LN. Còn ở cấp huyện, cấp xã, hầu như đang rơi vào tình trạng "trắng" cán bộ chuyên trách về LN.
Theo ông, để LN thực sự phát triển được những sản phẩm công nghiệp, cần có những bước chuyển biến như thế nào?
TS Nguyễn Quang Dũng |
- Ở khía cạnh sản xuất, công nghiệp hóa và LN không hề mâu thuẫn nhau. Với các sản phẩm LN truyền thống, đòi hỏi hàm lượng lao động thủ công cao, có bí quyết nghề, sự khéo léo của các nghệ nhân, thì vẫn phải duy trì hình thức lao động thủ công để tạo ra các sản phẩm tinh xảo, vừa sản xuất, vừa trình diễn phục vụ du lịch.
Nếu muốn mở rộng quy mô sản xuất, chúng ta cần quy hoạch LN vào các cụm công nghiệp tập trung để tránh ô nhiễm, nâng cao hiệu quả sản xuất. Song ở một số nghề đặc trưng, ít gây ô nhiễm như mây tre đan, thêu thùa... vẫn có thể duy trì sản xuất ngay tại gia đình.
Hiện cả nước đang tập trung cho Chương trình xây dựng nông thôn mới. Vậy LN sẽ có vai trò như thế nào, nhất là về việc chuyển dịch cơ cấu lao động, để người dân "ly nông bất ly hương", thưa ông?
- Thế giới hiện nay có 2 xu hướng chính. Một là, đô thị hóa, nông dân trở thành công nhân tại các khu đô thị, khu công nghiệp, xu hướng thứ hai là chuyển dịch lao động ngay tại địa phương. Ở nước ta, nếu phát triển được các mô hình sản xuất phi nông nghiệp, trong đó có LN, thì nông dân vẫn sống tốt ở nông thôn theo phương thức "ly nông bất ly hương", không phải bỏ ra thành phố tìm việc làm.
Khi một bộ phận nông dân sản xuất phi nông nghiệp ở các làng nghề, bộ phận còn lại sẽ có cơ hội mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng đề xuất, trong việc xây dựng nông thôn mới hiện nay, nếu địa phương có LN nhưng chưa quy hoạch cần triển khai quy hoạch sớm và lồng ghép hoặc bổ sung thêm vào quy hoạch nông thôn mới để tránh trùng lắp và tận dụng tối đa các nguồn lực.
Xin cảm ơn ông!
Hồ Sỹ Lực (thực hiện)