Đến Thiệu Dương, điều dễ nhận thấy là những ngôi nhà cao tầng mọc san sát, những con đường bê tông kiên cố trải dài từ đầu làng đến cuối thôn...
Bà Nguyễn Thị Trọng - một “lão làng” đan cót ở Thiệu Dương. |
Trẻ em cũng biết nghề
Ông Nguyễn Xuân Thiêm - Chủ tịch Hội ND xã Thiệu Dương cho biết: Đan cót là nghề truyền thống của Thiệu Dương với sản phẩm nổi tiếng "cót Giàng" (cót làng Giàng). Thiệu Dương có 2.600 hộ dân thì tới 2.000 hộ làm nghề đan cót, trung bình mỗi gia đình có từ 2-3 lao động tham gia làm nghề này. Từ đan cót, hơn 70% số hộ trong xã đã có điều kiện kinh tế khá, giàu; 100% hộ ở nhà mái ngói, nhiều hộ xây nhà cao tầng; đường làng ngõ xóm được bê tông hóa...
Theo ông Thiêm, nghề đan cót ở Thiệu Dương chủ yếu người đi trước truyền đạt lại cho người đi sau. Thậm chí, trẻ em 5- 6 tuổi đã biết đan các sản phẩm đơn giản. Để phát triển nghề, xã có cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê địa điểm làm nơi sản suất. Hiện trong xã có hơn 10 cơ sở kinh doanh cót mộc và cót ép là đầu mối bao tiêu sản phẩm cho người dân. Bà con xã khác thấy hiệu quả của nghề đan cót cũng đến Thiệu Dương học nghề.
Mỗi năm đóng góp cho xã 12 tỷ đồng
Bà Nguyễn Thị Trọng (72 tuổi) ở thôn 5, xã Thiệu Dương - một trong những "lão làng" trong nghề cho biết: "Gia đình tôi đã qua 4 đời đan cót. Bình quân mỗi ngày, 3 nhân công nhà tôi làm được hơn hai chục lá cót, với giá bán trung bình 7.000 đồng/lá, mỗi ngày cũng có gần 150.000 đồng. Nguyên liệu chính làm nghề đan là nứa hoặc vầu được lấy từ rừng Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát... về. Chúng tôi thông qua chủ đan, nhận hàng về làm rồi nhập hàng cho họ”.
Bà Trọng cho biết thêm, cót Thiệu Dương có nhiều chủng loại như cót mộc, cót xây dựng, cót cật... Để tạo ra những sản phẩm cót ép hoàn thiện, người sản xuất nhúng vào keo rồi cho vào máy ép, phơi khô.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới xây khang trang, anh Dương Quốc Bình (thôn 2) chia sẻ: “Nhà tôi chỉ có mấy sào ruộng, làm nông phụ thuộc vào thời tiết nên cuộc sống không khá lên được. Nhờ nghề đan cót, chúng tôi có việc làm và thu nhập những lúc thời gian nông nhàn, tận dụng được sức lao động. Nhà tôi có 4 lao động, mỗi ngày cũng thu về 100.000 đồng. Tính ra mỗi tháng cũng có khoản thu kha khá khoảng 3 triệu đồng".
Anh Bình cho hay, để làm ra một lá cót hoàn thiện phải trải qua các công đoạn từ cây nứa đem pha ra thành nan, sau đó chẻ nan (nếu nan bị khô phải đem ngâm thì mới có thể chẻ được), vót nan rồi đan thành những lá cót hoàn thiện. Riêng với loại cót ép có thể sử dụng 3- 4 năm mà không bị mối mọt. Cót ngoài dùng trong các công trình xây dựng thì bà con ND còn có thể dùng để đựng lúa gạo, vừa tiện dụng lại hữu ích.
Theo ông Thiêm, bình quân mỗi hộ đan cót thu 30 triệu đồng/năm, đóng góp vào GDP của xã trên 12 tỷ đồng. Đan cót hiện vẫn là nghề đem lại thu nhập ổn định cho ND Thiệu Dương.
Lan Dương