Việc triển khai nguồn vốn lớn này sẽ được thực hiện như thế nào trong thời gian tới, NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Thắng- Thứ trưởng Bộ NNPTNT. Ông Thắng cho biết: Đây là nguồn vốn rất cần thiết để chúng ta tiếp tục hoàn thành các công trình thủy lợi quan trọng phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của bà con nông dân.
Thi công hồ chứa nước sông Ray. |
Cụ thể là nguồn vốn đó sẽ đầu tư các hạng mục nào?
- Thời gian vừa qua, Bộ NNPTNT và các địa phương thực hiện nhiều dự án thủy lợi, trong đó có nhiều công trình đã hoàn thiện hạng mục chính như hồ đập, kênh dẫn chính, nhưng các hạng mục đầu cuối chưa thực hiện vì thiếu vốn.
Địa bàn nông thôn rất rộng, việc thiếu các kênh mương dẫn nước về các khu vực làm công trình thủy lợi chưa phát huy hết hiệu quả. Vì thế, nhiều khu vực hiện nay, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên vẫn rất khó khăn về nước cho sản xuất. Thời gian qua, đơn giá các công trình bị biến động tăng mạnh nên dẫn đến các công trình bị dở dang, chậm tiến độ.
Trong danh mục các công trình đề nghị bổ sung vốn, có 2 công trình chưa nhận được sự đồng thuận là Dự án Thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (Hà Tĩnh) và Dự án Tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích (Hà Nội)?
- Ngàn Trươi là công trình đa mục tiêu, cấp nước cho gần 30.000ha diện tích đất nông nghiệp, phòng chống lụt bão và thủy điện. Cùng với công trình hồ Cửa Đạt (Thanh Hóa), đây là một trong hai công trình thủy lợi lớn nhất nước hiện nay. Không phải các ủy viên UBTVQH không ủng hộ dự án này, mà do đây là dự án quan trọng, nguồn vốn lớn nên Chính phủ phải báo cáo thêm. Các hạng mục quan trọng của dự án như đền bù giải phóng mặt bằng, đập, kênh chính đã xong, hiện đang cần thực hiện các hạng mục khác để dẫn nước đi các khu vực.
Dự án khôi phục sông Tích cũng rất quan trọng. Dự án này được thực hiện không chỉ góp phần cung cấp nước tưới cho nông dân Hà Nội, mà còn góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường. Ngoài ra, do sông Tích nối với sông Đáy nên nếu dự án sông Tích được thực hiện thì lượng nước của sông Đáy, cảnh quan môi trường các tỉnh hạ du sông Đáy sẽ được cải thiện.
Trong bối cảnh mọi lĩnh vực đều bị cắt giảm đầu tư công hiện nay, việc ưu tiên cho thủy lợi là một nỗ lực lớn. Vậy Bộ NNPTNT sẽ thực hiện việc giám sát nguồn vốn này như thế nào để tránh thất thoát, lãng phí?
- Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, có được nguồn vốn như vậy là rất đáng quý, do đó việc giám sát phải được thực hiện quyết liệt hơn. Trước tiên, chúng tôi sẽ tiến hành rà soát các công trình có lợi ích thiết thực cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, phải chọn nhà thầu có năng lực để đảm bảo tiến độ, chất lượng; tiến hành công tác giám sát để tránh thất thoát khi thi công, thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm, phục vụ trực tiếp cho sản xuất của người nông dân.
Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ có nêu sẽ tăng cường đầu tư cho thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản. Vì sao trong các dự án bổ sung lần này không thấy đề xuất?
- Đúng là chỉ đạo của Bộ là tăng đầu tư vào các công trình xây dựng cơ bản nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, trong đó có thủy lợi cho thủy sản. Tuy nhiên, các dự án bổ sung lần này có điều kiện là các dự án nằm trong danh mục các dự án được Quốc hội, UBTVQH phê duyệt trước đó nên không thể bổ sung các dự án mới vào. Còn về các dự án thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, chúng tôi đang huy động các nguồn vốn khác nhau để thực hiện, đặc biệt là ưu tiên khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ngay trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo riêng về xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ cho thủy sản.
Xin cảm ơn ông!
Sỹ Lực (thực hiện)