Cho không mới tham gia
Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) triển khai thí điểm Bảo hiểm cây lúa (BHCL), song do nhiều bất cập về phí bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, mức thanh toán khi bị thiệt hại, nên chỉ có hộ được cho không phí bảo hiểm mới tham gia.
Bà Nguyễn Thị Kim Ái được hỗ trợ 100% phí bảo hiểm trên diện tích 1.300m2 đất lúa của gia đình. |
Ngay trong vụ đông xuân vừa qua, Đồng Tháp đã tiến hành thí điểm BHCL tại 3 huyện trọng điểm về sản xuất lúa gạo là Tân Hồng, Châu Thành và Tháp Mười. Tuy nhiên, khi chính quyền địa phương vận động thì có rất ít nông dân tham gia, hưởng ứng... Đến nay, hầu hết mới chỉ có các hộ nghèo (miễn 100% phí bảo hiểm) và hộ cận nghèo (miễn 80% phí) tham gia.
Theo thống kê sơ bộ của Sở NNPTNT Đồng Tháp, đến thời điểm này mới chỉ có 4.700 hộ tham gia thí điểm BHCL với diện tích khoảng 1.600ha, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng diện tích lúa đã xuống giống ở địa phương.
Một trong những địa phương mà nông dân ít tham gia là xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười. Ông Nguyễn Văn Đồng ở ấp 4, xã Mỹ Đông cho biết: “Nông dân vùng này làm vụ nào cũng trúng mùa, nên không cần bảo hiểm”. Theo tính toán của ông Đồng, mức phí đóng bảo hiểm 130.000 đồng/công (1 công = 1.000m2) là quá cao, trong khi mức thanh toán thiệt hại mà phía công ty bảo hiểm đưa ra lại thấp (570kg/công), trong khi năng suất vùng này luôn đạt từ 800- 900kg/công. Rõ ràng, với phương thức này, chỉ có công ty bảo hiểm lợi.
Theo tìm hiểu của NTNN, chỉ những người nghèo được miễn 100% phí bảo hiểm mới tích cực tham gia chương trình, bởi dù thế nào, họ cũng… chẳng mất gì. Bà Nguyễn Thị Kim Ái (ấp 4, xã Mỹ Đông) nói: “Gia đình tôi được hỗ trợ 100% tiền mua phí bảo hiểm, nên cứ tham gia thôi. Nhưng bây giờ, tôi cũng chẳng biết, nếu xảy ra thiên tai, mất mùa sẽ được thanh toán như thế nào”.
Ông Trần Quang Khải- Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Đông cho biết: “Mặc dù chính quyền địa phương tích cực vận động, nhưng số lượng nông dân tham gia BHCL rất ít. Đến nay chỉ có 12 hộ tham gia với diện tích khoảng 2ha, tất cả đều là hộ nghèo được miễn 100% phí bảo hiểm. Đối với hộ cận nghèo, dù được miễn 80%, nhưng khi vận động vẫn không ai chịu tham gia. Vì vậy, toàn xã có 2.115ha đất sản xuất lúa vẫn đang “trắng” bảo hiểm”.
Tại xã Mỹ Quý (huyện Tháp Mười) số lượng nông dân tham gia BHCL cũng rất ít. Ông Nguyễn Văn Phước - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Quý cho biết: “Toàn xã có 4.127ha đất sản xuất lúa với 3.838 hộ, mới chỉ có 48 hộ tham gia BHCL, đều là những hộ được hỗ trợ 100%”.
Đánh đố nông dân
Khảo sát của phóng viên cho thấy, chương trình trên mới thực hiện thí điểm ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nhưng lộ một số bất cập khiến nông dân không muốn tham gia. Bất cập lớn nhất theo quy định của Bộ NNPTNT là mức độ thiệt hại được bảo hiểm bồi thường đối với cây lúa phải đảm bảo 2 điều kiện: Năng suất lúa thu hoạch thấp hơn 75% năng suất bình quân 3 năm gần nhất và quy mô thiệt hại phải từ 60% diện tích toàn xã trở lên, trong khi đó kỹ thuật sản xuất của nông dân hiện khá cao, nên rất khó để nông dân được bồi thường theo quy định.
Tương tự, tại Bình Thuận - địa phương được chọn thí điểm BHCL, hiện cũng chỉ có các hộ nghèo tham gia. Khảo sát của NTNN cho thấy, chỉ có những hộ nghèo và cận nghèo mới tham gia vì họ được miễn, giảm phí hoàn toàn. Còn những hộ khá, giàu thì không muốn tham gia. Nhiều hộ nông dân phản ánh, nếu tham gia, họ sẽ không có lợi mà người lợi là ngành bảo hiểm. Chẳng hạn như: Phí cao làm tăng giá thành sản phẩm, muốn được nhận tiền bảo hiểm phải là địa phương được công bố có dịch bệnh (là điều không đơn giản). Riêng tại Bình Thuận, một số bệnh trên cây lúa được bảo hiểm lại thường ít xảy ra, do nông dân đã có kỹ thuật phòng, chống.
Bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Bình Thuận cho biết: “Chúng tôi đã triển khai thực hiện thí điểm BHCL tại 11 xã thuộc 3 huyện: Tánh Linh, Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc. Song việc triển khai vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nông dân không muốn tham gia”.
Hoàng Mai - Cao Thuyên