Dân Việt

Lợi nhuận che khuất nguy cơ

08/05/2012 05:59 GMT+7
(Dân Việt) - Sự cố Thủy điện Sông Tranh 2 là tín hiệu cảnh báo lần cuối cùng về một nguy cơ tiềm ẩn đang treo trên đầu người dân và môi trường cũng như sự sống còn của hơn 700 vùng đất có các đập thủy điện nhỏ và vừa.

Nhân loại biết sử dụng thủy điện từ rất lâu. Kỹ thuật xây dựng thủy điện không phải là quá mới mẻ với đội ngũ kỹ sư và công nhân nước ta, một quốc gia có 2.200 con sông với tiềm lực phát điện phong phú. Những công trình thủy điện lớn đang phát điện an toàn như Hòa Bình, Thác Bà, Đa Nhim... đã được thử thách nhiều năm và là kết quả của quá trình nghiên cứu hết sức cẩn trọng.

Chúng ta biết, ngay từ năm 1955, đã có những đoàn khảo sát địa chất, địa mạo, lịch sử, nhân văn với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô đi đến hàng ngàn km2 lưu vực sông Đà để chuẩn bị cho đập Hòa Bình sẽ xây dựng 20 năm sau đó.

Sự thận trọng với thủy điện là không thừa. Bởi vì thủy điện có rất nhiều nguy cơ. Những nguy cơ phổ biến của thủy điện đã từng xảy ra trên thế giới là: Đập xây xong không chứa được nước vì hiện tượng Karst (hang hốc đá vôi), vỡ đập gây thảm họa, giữ và tháo nước sai lầm làm hạn và úng lụt hạ lưu, chứa cột nước cao gây biến động môi trường, chôn vùi những vùng tài nguyên hay di tích lịch sử quý giá do không nghiên cứu, khảo sát kỹ trước khi làm... Nguy cơ số một ai cũng biết là đập bị vỡ!

Sự phát triển ồ ạt một cách khá bất thường (chứ không ngoạn mục) những năm gần đây cho thấy thủy điện ở nước ta có lợi nhuận hết sức hấp dẫn với giới đầu tư. Mà các nhà “tư bản” thì sẵn sàng lao vào. Mọi người đang tìm nguyên nhân sự cố đập Sông Tranh 2.

Thế nhưng có một chân lý mà cha ông ta đã tổng kết là “giả dối thì dối giả”. Không bao giờ có phép lạ “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” trên đời và chúng ta đã phải trả giá cho ảo tưởng đó khá nhiều trong quá khứ.

Có thể còn nhiều chứng cứ khác bộc lộ quá trình “vội vàng” của phát triển thủy điện. Nhưng một dẫn chứng khó thanh minh là người ta đã vội vã dùng “bê tông đầm lăn” trong khi cơ quan có thẩm quyền nước ta chưa đưa ra quy phạm với chất liệu xây dựng mới mẻ và rất được hâm mộ vì rút ngắn được nhiều thời gian này (theo ông Vũ Trọng Hồng, Hội Thủy lợi VN).

Chắc chắn còn nhiều hội thảo, hội nghị để tìm nguyên nhân sự cố Sông Tranh 2 và cách khắc phục. Nhưng “tốc độ phát triển quá nhanh” luôn là nguyên nhân của mọi sự cố thủy điện. Lợi nhuận đè nguy cơ, che khuất nguy cơ. Tuy khập khiễng nhưng nó cũng gần giống với tốc độ xe cộ gây tai nạn giao thông trên đường vậy.