Tại miền Bắc, các loại rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn cổ bông tiếp tục gây hại trên các trà lúa đông xuân đang giai đoạn làm đòng- trỗ đỏ đuôi. Trong đó, rầy nâu và rầy lưng trắng tập trung nhiều ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, Tây Bắc Bộ, các tỉnh ven biển Bắc Bộ và Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…
Tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cũng sẽ xuất hiện các loại sâu đục thân 2 chấm hại lúa, bệnh khô vằn, bọ trĩ và sâu keo hại lúa xuân hè và hè thu đang trong giai đoạn mạ - đẻ nhánh. Còn các tỉnh Nam Bộ, rầy nâu sẽ phát sinh, phát triển mạnh trên đồng ruộng. Dự báo đến cuối tuần, lượng rầy sẽ di trú với số lượng cao hơn tháng 4 vừa qua.
Ông Nguyễn Xuân Hồng- Cục trưởng Cục BVTV cho biết: "Hiện nay, mật số rầy nâu, vàng lùn- lún xoắn lá (VLLXL) trên lúa xuân hè ở các tỉnh phía Nam thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng ở vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, lúa đang trong thời kỳ thu hoạch nên không có vấn đề gì lớn. Tuy nhiên, trên diện tích lúa hè thu giai đoạn đẻ nhánh ở đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện rầy nâu, VLLXL gây hại ở một số địa phương như: Đồng Tháp, Hậu Giang, Cần Thơ…".
Cục BVTV khuyến cáo, để tránh nguy cơ lây lan dịch, các địa phương cần tập trung cán bộ về địa phương điều tra, khoanh vùng diện tích lúa bị VLLXL, vận động nông dân nhổ hủy cây lúa nhiễm bệnh; thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm rầy nâu, VLLXL để kịp thời phòng trừ.
Hữu Thông