Ông Phùng Kiệm- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Khi bắt tay vào xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đã sớm xác định: Muốn đạt được mục tiêu xây dựng NTM là phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc”. Theo đó, xã đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng NTM. Ở cấp thôn, có Ban phát triển thôn nắm rõ từng hộ dân.
Làm đường giao thông tại thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang.
Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo xã đã tổ chức 20 điểm tuyên truyền, vận động ở 8 thôn trong xã. Nhờ thực hiện lồng ghép nhiều kênh tuyên truyền với hình thức phong phú nên người dân Hòa Châu đã hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình xây dựng NTM, từ đó tham gia đóng góp rất nhiệt tình. Sau 3 năm triển khai xây dựng NTM, tổng vốn đầu tư của xã Hòa Châu đạt gần 30 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trên 12 tỷ đồng, còn lại đều huy động từ nhân dân. Ông Kiệm cho biết, từ năm 2010 đến nay, cơ cấu lao động trong xã có sự chuyển biến rõ rệt, số lao động làm việc trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp chỉ còn chiếm 14,2%; công nghiệp, xây dựng 35%; thương mại, dịch vụ chiếm tới 50,8%. Đến cuối năm 2012, xã chỉ còn 57 hộ nghèo, chiếm 1,76%. Nhờ đẩy mạnh công tác giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho con em hộ nghèo, khuyến khích nhân rộng các mô hình kinh tế hộ cho thu nhập cao… nên đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 22,3 triệu đồng/người/năm.
Theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Hòa Châu, trong 19 tiêu chí thì xã gặp khó khăn nhất ở tiêu chí môi trường, do một bộ phận người dân thiếu ý thức bảo vệ môi trường. Ban phát triển ở các thôn đã phải thực hiện nhiều giải pháp khác nhau mới đạt tiêu chí này, như triển khai thu gom rác đến từng hộ dân, xây dựng 8 điểm tập trung rác ở 6 thôn, thu gom vận chuyển rác 2 ngày/lần, đồng thời thường xuyên phát động phong trào “Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, vận động nhân dân trồng cây xanh trong khuôn viên nhà ở và khu vực công cộng. Nhờ đó, bây giờ đường làng, ngõ xóm ở Hòa Châu rất sạch sẽ, ...