Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ và Chương trình hành động số 68-CTr/TU của Tỉnh ủy về tam nông, kinh tế nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng đã có sự chuyển biến rõ rệt, đời sống người dân được cải thiện nhờ những chủ trương đầu tư đúng đắn, hiệu quả.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã dần hình thành những vùng sản xuất chuyên canh kỹ thuật cao, điển hình như khu trồng rau an toàn ở TP.Đà Lạt, huyện Đức Trọng; vùng trồng cây có múi theo VietGAP ở huyện Cát Tiên, Đạ Huoai; vùng chăn nuôi bò sữa ở Đơn Dương... Trong đó, một số vùng trồng rau cao cấp đạt giá trị trên 400 triệu đồng/ha/năm, đặc biệt hoa cao cấp đạt từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm… Cơ cấu ngành nông nghiệp ngày càng chuyển dịch theo hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng luôn ở mức cao, bình quân trên 9%/năm giai đoạn 2008-2012.
Với quyết tâm rút ngắn khoảng cách giữa vùng nông thôn và thành thị, nâng cao mức sống cho người dân vùng nông thôn, Lâm Đồng đã triển khai nhiều chương trình, dự án, kết quả là kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng đồng bộ, hiện đại, an ninh trật tự xã hội ổn định, giàu bản sắc truyền thống. Đặc biệt là Chương trình xây dựng NTM đã tác động tích cực đến đời sống cộng đồng. Hiện, đã có 77% người dân nông thôn trên địa bàn được dùng nước hợp vệ sinh, 98% số hộ sử dụng điện; 100% các xã có đường giao thông, 73% đường trục xã được trải nhựa hoặc bê tông hóa; tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 6,31%, so với 16,31% của năm 2008…
Đặc biệt, Lâm Đồng đã đầu tư cho nông thôn không phải bằng thành tích mà bằng chất lượng cuộc sống, bằng giá trị thụ hưởng những thành quả do quá trình công nghiệp hóa mang lại. Theo đó, tổng vốn đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn giai đoạn 2009 - 2012 đạt gần 5.200 tỷ đồng và đến nay đã có 2 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí là Tân Hội (Đức Trọng) và Xuân Trường (TP.Đà Lạt), 17 xã đạt 14-18 tiêu chí, 34 xã đạt từ 9-13 tiêu chí, 61 xã đạt từ 5 tiêu chí trở lên.